Từ đầu năm tới nay, thị trường bất động sản liên tục nhận được các "trợ lực" để đẩy nhanh đà phục hồi như: các chính sách mới gỡ khó về thủ tục pháp lý, Tổ Công tác của Thủ tướng trực tiếp làm việc với doanh nghiệp và địa phương, dần tháo nút thắt cho một số dự án bất động sản lớn…
Tuy nhiên, vấn đề tiếp cận tín dụng vẫn là nỗi lo, trong đó có Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực vào ngày 1/9 sắp tới.
Các doanh nghiệp cho rằng, thông tư mới có một số quy định sẽ tạo ra rào cản khiến bất động sản khó tiếp cận được nguồn vốn.
Cụ thể, thông tư đã tăng thêm từ 6 lên 10 trường hợp mà tổ chức tín dụng không được cho vay, sẽ dẫn đến tình trạng một số khách hàng có nhu cầu vay vốn, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư sẽ không tiếp cận được tín dụng. Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp M&A nhằm gỡ vướng cho các dự án rất cần thiết trong bối cảnh thị trường nhiều khó khăn cũng sẽ bị hạn chế.
Khoản 2 điều 1 Thông tư 06 đề cập tới một loạt những nhu cầu vốn không được cho vay, trong đó có quy định các tổ chức tín dụng không được cho vay thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp, hoặc cổ phần các công ty chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên Upcom… về bản chất, chính là hoạt động M&A.
Vấn đề tiếp cận tín dụng vẫn là nỗi lo với thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, các quy định này khiến việc vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, trở nên khó khăn hơn.
"Các nhà đầu tư trong nước không được vay tín dụng để rót vốn, trong khi không có ràng buộc gì với nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế là nguồn vốn rẻ, dài hạn thì tự nhiên chúng ta nhường sân chơi cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng thâu tóm doanh nghiệp trong nước", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, cho biết.
"Các chủ đầu tư muốn chuyển nhượng dự án của mình thông qua M&A sẽ phải thay đổi lại cái phương án và thậm chí phải xem xét lại thủ tục chuyển nhượng dự án bất động sản có thể triển khai được hay không", ông Trần Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty Luật Basico, cho hay.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, quy định mới trong Thông tư 06 sẽ tác động mạnh nhất tới lĩnh vực bất động sản, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức và đang được tập trung gỡ khó.
Chưa kể, hoạt động M&A, góp vốn và công ty, hay dự án đầu tư… là các hoạt động hợp pháp và được pháp luật công nhận.
"Với Thông tư 06, trong phạm vi của mình, Ngân hàng Nhà nước đưa ra những giới hạn mang tính cấm đoán, khiến nguồn vốn tài chính phục vụ cho việc tự do kinh doanh đó không được triển khai cũng là một khía cạnh nên xem xét kỹ lưỡng. Tôi cho rằng quy định như vậy tạo bất cập cho thị trường, bởi nhu cầu của người đi vay là có, nhu cầu của người giao dịch là có và khả năng đáp ứng tài chính của giới ngân hàng là có. Câu chuyện kinh doanh rủi ro ra sao nên để các ngân hàng thương mại quyết định", ông Trần Minh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Luật Basico, nhận định.
Theo các chuyên gia, việc giải ngân cho những khoản vay như thế này đã được các ngân hàng thực hiện lâu nay.
Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước thấy rủi ro phát sinh nên tiến hành cảnh báo và nâng hệ số rủi ro, thay vì cấm.
Theo các điều luật hiện hành, ngân hàng thương mại được cho vay các hoạt động hợp pháp, trong đó có góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần.
Trong Nghị quyết số 97 của Chính phủ ban hành đầu tháng 7 vừa qua, Chính phủ tiếp tục giao Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất cho vay thêm từ 1,5 - 2%; có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Những giải pháp mang tính tổng thể này là dấu hiệu tích cực và đầy hy vọng cho thị trường. Doanh nghiệp rất mong chờ tinh thần gỡ vướng này được lan tỏa để thị trường bất động sản sớm hồi phục. Tuy nhiên, một số quy định của Thông tư 06 đang khiến thị trường lo ngại cần giải pháp rà soát chi tiết từng doanh nghiệp, từng dự án, không nên đánh đồng tất cả theo các điều khoản của Thông tư 06.
VTV.vn - Theo các chuyên gia, việc lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất do cơ quan nhà nước quản lý sẽ tác động mạnh đến hoạt động mua - bán nhà đất của các môi giới hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.41022645151803202-60-ut-gnoht-ut-nas-gnod-tab-ohc-gnud-nit-nac-oar-meht-iagn-ol/et-hnik/nv.vtv