Bay drone tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Xé rào" thử nghiệm các giải pháp công nghệ
Chiều 16-8, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia về "Quy định các tiêu chí, lĩnh vực thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP.HCM" (cơ chế Sandbox).
Sở Khoa học và Công nghệ phân thành 2 nhóm lĩnh vực công nghệ có thể tham gia thử nghiệm có kiểm soát.
Nhóm 1 gồm các sản phẩm, giải pháp công nghệ không dây LoRaWAN, Wifi-Halow, xe điện không người lái, các giải pháp công nghệ số có sử dụng drone,…
Nhóm 2 gồm các ngành trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thực tại ảo, công nghệ chuỗi khối, công nghệ an ninh mạng thông minh, tự khắc phục và thích ứng, robot thực hành, robot cộng tác, phương tiện tự hành dưới nước…
Các giải pháp công nghệ mới phải là các giải pháp mà những nội dung kỹ thuật và nghiệp vụ hoàn toàn chưa được quy định tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, hoặc đã được quy định nhưng có thể cắt giảm thủ tục cấp phép trong phạm vi thử nghiệm.
Đồng thời, đây phải là giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cho TP.HCM. TP.HCM sẽ hỗ trợ mặt bằng, cơ sở hạ tầng trong khu công nghệ cao, khu thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo của TP.HCM có mục đích sử dụng phù hợp để phục vụ việc thử nghiệm giải pháp.
Các đơn vị cũng sẽ được miễn xin phép trong trường hợp sản phẩm thử nghiệm sử dụng các công nghệ được quy định. Đồng thời, các đơn vị sẽ được hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí thử nghiệm từ ngân sách khoa học và công nghệ của TP.HCM.
Thử nghiệm xe tự lái tại nước ngoài - Ảnh: DEWESOFT
TP.HCM cần lưu ý tính mới cho Sandbox
Góp ý cho dự thảo, TS Dương Như Hùng - trưởng khoa quản lý công nghiệp, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng TP.HCM cần làm rõ độ mới trong sản phẩm công nghệ mới muốn thử nghiệm.
Tương tự, giáo sư Dương Nguyên Vũ - giám đốc Viện Nghiên cứu quản lý không lưu, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) - cho rằng nên có một khung đánh giá các sản phẩm, giải pháp công nghệ muốn tham gia Sandbox.
Một sản phẩm mới sẽ được thử nghiệm trong không gian nhỏ, khi phát triển theo từng bước lớn, môi trường thử nghiệm cũng lớn hơn.
PGS.TS Võ Trí Hảo - nguyên trưởng khoa luật, Trường đại học Kinh tế TPHCM - góp ý các sản phẩm, giải pháp được thử nghiệm trong Sandbox cần được làm rõ các rủi ro. Chẳng hạn, một giải pháp drone, xe tự lái mới,… cần được làm rõ các rủi ro trước khi được phép triển khai thực hiện theo cơ chế Sandbox, đặc biệt là các rủi ro về an ninh quốc phòng.
Ngược lại, theo PGS.TS Võ Trí Hảo, để thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia Sandbox, nên tạo thêm cơ chế cho các sản phẩm, giải pháp thêm ở giai đoạn tiếp theo. Hiện tại, Sandbox chỉ mới quy định được thử nghiệm tại các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP.HCM.
Nếu thử nghiệm ở quy mô này thành công, ông Hảo cho rằng sẽ có thể mở rộng được thử nghiệm sandbox trên quy mô rộng hơn, chẳng hạn trên khắp TP.HCM. Như thế sẽ thu hút hơn với các đơn vị, đặc biệt là những nhà đầu tư về khoa học công nghệ.
Đó là ý kiến của ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ chiều 20-7.