Tại thị trường vàng trong nước, sau khi giảm 50.000 đồng/lượng trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 17/8 chưa có sự biến động, hiện niêm yết lần lượt ở mức 66,95 – 67,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,95 – 67,55 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay giảm 130.000 đồng/lượng so với hôm qua, hiện đứng ở mức 56,18 – 67,03 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 10,2 xuống 1.891,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đi ngang và tạm đứng ở mức 1.891,8 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 12/2023 trên sàn Comex New York giảm 6,9 USD, tương ứng giảm 0,4536 xuống 1.928,3 USD/ounce.
Vàng tiếp tục giảm giá khi Cục Dự trữ Liên bang duy trì khuynh hướng diều hâu, để ngỏ các lựa chọn tăng lãi suất khác do áp lực lạm phát vẫn tăng cao, theo biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 7 của ngân hàng trung ương.
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang là trở ngại lớn nhất đối với vàng và kim loại quý tiếp tục gặp khó khăn trong môi trường này.
Biên bản của FOMC cũng cho thấy Ủy ban vẫn tập trung vào lạm phát, với một số người tham gia cho rằng lãi suất cần tăng cao hơn để đưa giá tiêu dùng trở lại mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
"Những người tham gia nhấn mạnh rằng, Ủy ban sẽ cần xem thêm dữ liệu về lạm phát và các dấu hiệu khác cho thấy tổng cầu và tổng cung đang chuyển sang trạng thái cân bằng tốt hơn để tin tưởng rằng áp lực lạm phát đang giảm và lạm phát sẽ quay trở lại mức 2% theo thời gian", biên bản cho biết.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ có trụ sở tại Úc cho biết, bất chấp áp lực bán ra trong ngắn hạn, họ vẫn duy trì triển vọng tăng giá trong trung và dài hạn đối với kim loại quý.
Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao và là tác giả chính của báo cáo mới nhất của ANZ nói rằng, mặc dù không thể loại trừ khả năng giá giảm xuống dưới 1.900 USD, nhưng ông nhận thấy các dấu hiệu hỗ trợ vững chắc trên thị trường.
Trong ngắn hạn, Hynes cho rằng rủi ro lớn nhất đối với vàng là các điều kiện kinh tế. "Nền kinh tế Mỹ vẫn có khả năng phục hồi, thể hiện rõ qua dữ liệu kinh tế mạnh mẽ. Lạm phát vừa phải và dữ liệu lao động mạnh mẽ tạo ra sự cân bằng kinh tế vĩ mô lý tưởng. Do đó, thị trường đã loại bỏ khả năng hạ cánh cứng. Điều này làm giảm dòng chảy trú ẩn an toàn đối với vàng", Hynes nói.
Tuy nhiên, với việc lạm phát tiếp tục giảm từ mức cao nhất trong 40 năm của năm ngoái, ANZ dự kiến rằng Cục Dự trữ Liên bang đã đạt mức lãi suất cao nhất. Haynes nói thêm rằng, vàng không nên bị hoảng sợ bởi khả năng tăng lãi suất lần cuối.
“Lãi suất thực có khả năng tăng trong bối cảnh lạm phát giảm bớt. Là một tài sản không mang lại lợi suất, vàng sẽ theo dõi ngược lại lãi suất thực của Mỹ”, ông nói.
Với mức giá khoảng 1.891,8 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 55,64 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 11,93 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) mở cửa sáng nay đứng ở mức 103,47 điểm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay ngày 17/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.951 đồng/USD, tăng 33 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.753 – 25.149 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 25.089 đồng/USD ở chiều bán ra.
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 23.700 – 24.200 đồng/USD.
Sáng nay tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 23.880 đồng/USD và bán ra là 24.000 đồng/USD.