Lần sửa đổi này có nhiều thay đổi quan trọng được bổ sung, sửa đổi so với Luật BHXH năm 2014, trong đó đáng chú ý là quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước..
Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã…cũng thuộc đối tượng được đề xuất mở rộng.
Đối với hộ kinh doanh, tờ trình dự án luật nêu, theo quy định của pháp luật hiện hành, có 2 nhóm gồm hộ kinh doanh phải đăng ký hộ kinh doanh và hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh.
Trong đó, đặc thù của hộ không phải đăng ký kinh doanh là các hộ hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định, có thu nhập thấp. Theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc .
Thực tiễn thời gian qua, mặc dù pháp luật chưa quy định “chủ hộ kinh doanh” thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng tại các địa phương đã có các chủ hộ đăng ký tham gia và cơ quan BHXH đã thu BHXH bắt buộc đối với đối tượng này (cả nước khoảng gần 4.000 chủ hộ).
Đối với người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã không hưởng lương, Chính phủ cho biết Luật BHXH năm 2014 chỉ mới quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; đối với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương chưa được quy định tham gia BHXH bắt buộc.
“Việc bổ sung các đối tượng trên đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện”, Chính phủ lý giải.
Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cơ bản đồng tình với đề xuất trên, nhưng cho rằng việc này không phải “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia BHXH, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Như, vừa mở rộng đối tượng, vừa phải giữ người lao động ở lại hệ thống lâu dài, vừa phải kiểm soát thu nhập và tiền lương tốt hơn gắn với nâng cao thu nhập và mức sống cho người lao động; nâng cao tính tuân thủ của cả người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội; có các giải pháp hỗ trợ khi người lao động gặp khó khăn về tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động chủ động…
Thường trực Ủy ban Xã hội và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ lý do việc không mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh (khoảng 3 triệu người), tính thống nhất và phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đăng ký doanh nghiệp và tính khả thi trong tổ chức thực hiện, nhất là việc xác định đối tượng để đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Dự kiến, Luật BHXH sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới.