UBND TP.HCM vừa có Tờ trình gửi Thường trực HĐND Thành phố về việc cần xây dựng Nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn Thành phố. Bởi theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, thì thẩm quyền quyết định thu phí thuộc HĐND.
Trước đây, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 964/QĐ-ƯBND ngày 24/12/1991 thu lệ phí khai thác đất công, chợ, đường phố, bến bãi, cảng chỉ 12.000 đồng/m2/tháng đối với ngành hàng dịch vụ. Mức này quá thấp và quyết định trên của Thành phố đã bị bãi bỏ năm 2017.
Theo tình hình và nhu cầu hiện tại cũng như Luật phí và lệ phí, việc HĐND ban hành Nghị quyết mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố là cần thiết.
UBND TP.HCM đề xuất mức thu phí mới cần căn cứ trên cơ sở tham khảo mức thu của các địa phương có tình hình kinh tế - xã hội, hoạt động giao thông đô thị tương tự Thành phố, kết hợp phương pháp xây dựng mức thu theo giá đất hàng năm và tỷ lệ phần trăm tính tiền thuê đất do UBND Thành phố ban hành.
Đối tượng thu là các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời lòng đường để tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa; Làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; trông, giữ xe máy, xe mô tô, xe đạp có thu tiền dịch vụ; kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền người sử dụng; lắp đặt các công trình tạm (gồm các công trình trụ, bảng, pano quảng cáo và các công trình tương tự) trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông.
Vấn đề này, theo tính toán của Sở Giao thông - Vận tải Thành phố, mức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh khoảng 20.000 - 100.000 đồng/m2/tháng và mức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe là 50.000 - 350.000 đồng/m2/tháng, tùy vị trí các tuyến đường. Với 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5 m trở lên cùng chiều dài 1.716 km và 929 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3 m trở lên với chiều dài 673,31 km, dự kiến nguồn thu mang lại khoảng 1.522 tỷ đồng/năm.
Số tiền thu nêu trên, theo UBND TP.HCM, sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố nhằm mục đích duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.