Họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng (44 tuổi, quê ở xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) hiện đang công tác tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Quảng Bình. Ngoài vẽ tranh, viết thư pháp và đắp phù điêu, anh còn có thể tạo ra các tác phẩm hội hoạ bằng chất liệu vỏ trứng.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng sáng tác bức tranh phong cảnh “Quảng Bình Quan”. Ảnh: B.THIÊN |
Mỗi tác phẩm là một quá trình gian nan
Cầm trên tay chiếc vỏ trứng đã được làm sạch, họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng kể, năm 2020, anh bắt đầu nảy ra ý tưởng dùng vỏ trứng gà, vịt, cút…để làm tranh với mong muốn tìm cho mình một lối đi riêng, phong cách riêng trong sáng tác nghệ thuật.
“Thời điểm mới nảy sinh ý tưởng, nhiều người cũng bảo tôi sao lại chọn kiểu nghệ thuật gì cực vậy, dễ không thích cứ thích chọn cái khó…tôi cũng chỉ biết cười trừ vì khi tìm thấy đam mê thì khó mà cắt nghĩa được” hoạ sĩ Vượng nói.
Mỗi công đoạn làm tranh vỏ trứng được họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng thực hiện rất tỉ mẩn. Ảnh: B.THIÊN |
Theo họa sĩ Vượng, vỏ trứng sau khi thu gom sẽ được rửa sạch, khử tanh và xử lý lớp màng, sau đó đem đi sấy thật khô. Mỗi loại vỏ trứng sẽ có màu sắc khác nhau như vỏ trứng có màu lốm đốm, trứng gà ta có màu vàng nhạt, trứng gà công nghiệp có màu nâu.
Do đó, trong quá trình sáng tác, anh thường sử dụng màu vỏ trứng nguyên bản, chứ không nhuộm màu cho vỏ trứng. Đối với những gam màu tối, anh sẽ dùng vỏ trứng nướng, quá trình nướng trứng cũng mất khá nhiều thời gian và sự tỉ mỉ.
“Với một bức tranh làm từ vỏ trứng, người nghệ sĩ phải bỏ công sức, tâm huyết gấp năm, gấp mười lần so với một bức tranh bình thường. Mỗi khâu trong quá trình sáng tác cũng đòi hỏi người nghệ sĩ phải hết sức kiên trì và tỉ mẫn. Chung quy, để hoàn thành một bức tranh từ vỏ trứng mất khá nhiều thời gian và tâm sức, không thể vội vàng, qua loa”, họa sĩ Vượng chia sẻ.
Những vỏ trứng sau khi được làm sạch và sấy khô. Ảnh: B.THIÊN |
Bức tranh Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ 1.000 vỏ trứng
Với lối tư duy nghệ thuật độc đáo cùng đôi bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ đa tài, họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng đã tạo ra nhiều bức tranh bằng vỏ trứng từ phong cảnh, địa danh lịch sử, cho đến con người Quảng Bình…
Trong đó, tác phẩm tranh vỏ trứng đầu tay của anh có tên “Sông ngầm” được giới chuyên môn đánh giá cao và được trưng bày tại triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung lần thứ XXV năm 2020. Sau tác phẩm đầu tay ấy, anh liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm tranh vỏ trứng độc đáo, ấn tượng khác.
Hoạ sĩ Nguyễn Quốc Vượng bên bức tranh “Vị tướng vì hoà bình”. Ảnh: B.THIÊN |
Đáng chú ý, nhân dịp 112 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 – 25-8-2023), hoạ sĩ Nguyễn Quốc Vượng sẽ "trình làng" bức tranh vỏ trứng mang tên “Vị tướng vì hoà bình”.
Theo hoạ sĩ, đây là bức chân dung mà anh đã dành hơn hai năm để nghiên cứu và sử dụng hơn 1.000 vỏ trứng để thực hiện. Với chiều dài 1,4m và chiều rộng hơn 1,7m, bức tranh “Vị tướng vì hoà bình” là một trong những bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp có kích thước lớn nhất Việt Nam được làm từ chất liệu vỏ trứng.
Hoạ sĩ Nguyễn Quốc Vượng bên tác phẩm đầu tay “Sông ngầm”. Ảnh: B.THIÊN |
“Để thực hiện tác phẩm này, tôi đã phải nghiên cứu, đọc kỹ nhiều sách, báo viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bởi vì tranh chân dung khó hơn rất nhiều so với tranh phong cảnh hay con vật, đã vẽ chân dung là phải giống và phải có hồn. Đặc biệt, chân dung về Đại tướng lại càng phải thể hiện được thần thái, cốt cách và tầm vóc mới thành công”, hoạ sĩ Nguyễn Quốc Vượng cho hay.
Anh kỳ vọng, tác phẩm “Vị tướng vì hoà bình” sẽ góp phần làm dày thêm kho tàng sáng tác nghệ thuật về vị tướng tài của đất nước, giúp người xem cảm nhận và ghi nhớ sâu sắc hơn công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua đó, giáo dục cho mọi người nhất là thế hệ trẻ về niềm tự hào dân tộc…
Bảng màu và dụng cụ của vẽ tranh của họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng. Ảnh: B.THIÊN |
“Những năm gần đây, họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng đã tự tìm tòi, phát hiện chất liệu vỏ trứng để áp dụng vào biểu chất trong sáng tác tranh sơn dầu khá thành công. Vỏ trứng có những ưu điểm như tạo ra các sắc độ đậm nhạt cũng như bề mặt tạo chất khá hấp dẫn.
Qua đó, mang lại những biểu đạt mới mà người họa sĩ muốn chuyển tải đến với công chúng. Nhiều tác phẩm của họa sĩ Vượng trong các triển lãm cũng đã được giới chuyên gia đánh giá cao”- hoạ sĩ Nguyễn Lương Sáng, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình đánh giá.