TP.HCM có tiềm năng rất lớn để phát triển giao thông đường thủy, theo nhiều chuyên gia du lịch cho rằng đây là vùng đất "trời phú, người chọn".
TP có khoảng 1000 km đường thủy với bốn tuyến sông chính là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu. Ngoài ra, TP còn có hệ thống kênh rạch chằng chịt liên kết các tỉnh Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ.
TP.HCM có nhiều tiềm năng về du lịch đường thủy. |
Tuy nhiên, theo ThS. Mã Xuân Vinh, Phó trưởng Bộ môn Du lịch và Lữ hành, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT), du lịch đường thủy tại TP.HCM chưa xứng với tiềm năng của nó, những sản phẩm du lịch sông nước của TP vẫn còn manh mún, chưa tạo sự liên kết và xứng tầm với một đô thị phát triển bậc nhất về du lịch tại Việt Nam.
Một số sản phẩm du lịch đường thủy tại TP hiện khá sôi nổi là các hoạt động của nhà hàng nổi trên sông, buýt sông, tuyến đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến Bạch Đằng - Củ Chi...
Du khách sẽ trải nghiệm tuyến đường sông Bạch Đằng - Cần Giờ để đến với ấp đảo Thiềng Liềng (huyện Cần Giờ) |
ThS.Vinh cho rằng: Độ tĩnh không của hệ thống cầu trên các kênh rạch và sông cũng chưa đồng nhất và phù hợp cho khai thác các tuyến du lịch đường thủy.
Vấn đề ô nhiễm rác thải mùi hôi trên sông rạch vẫn cần được ưu tiên giải quyết sớm. Từ đó, các doanh nghiệp du lịch mới mạnh dạn phát triển thêm sản phẩm du lịch đường thủy.
Để tiềm năng du lịch TP.HCM không còn ngủ yên, TP rất cần sự kết nối của các bên liên quan, đặc biệt là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định bến bãi, cầu tàu, hệ thống nhà vệ sinh, các hoạt động dịch vụ du lịch kèm theo.
“Lễ hội sông nước TP.HCM” vừa qua như là một phát pháo để TP có những hành động phát triển nhiều sản phẩm du lịch đường thủy.
Trước hết, TP cần chú ý đến mở rộng các tuyến du lịch đường thủy nội đô sao cho thuận tiện, có những điểm nhấn riêng biệt. Song song đó, du lịch đường thủy phải có tính liên kết với các hoạt động du lịch khác trên địa bàn nhằm tạo ra được nhiều trải nghiệm cho du khách chứ không đơn thuần là đi trên sông để ngắm quang cảnh hai bên.
Kế nữa, TP phát triển những tuyến du lịch đường dài nhằm kết nối các địa phương, các điểm đến từ TP.HCM đi miền Tây Nam Bộ, thậm chí kết nối đến TP Phnom Penh (Campuchia).
Du khách thích thú với hoạt động câu cá sấu tại khu du lịch sinh thái Vàm Sát (huyện Cần Giờ). |
Thạc sĩ Mai Xuân Vinh nói thêm: “Một khi đã hình thành những sản phẩm du lịch đường thủy đặc thù thì vai trò quảng bá hình ảnh và những sự kiện liên quan đến sông nước cho du khách trong và ngoài nước là rất cần thiết.”
Bên cạnh đó, du lịch đường thủy là một xu hướng phát triển rất mạnh trên thế giới, đặc biệt là du lịch tàu biển. Việc quy hoạch cảng tàu biển để đón hàng ngàn du khách cần được suy xét và phát triển.
Từ trước đến nay, đa phần các đoàn tàu biển đưa khách đến tham quan và mua sắm tại TP.HCM đều phải “quá cảnh” tại cảng Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) vì nhiều lý do khác nhau.
Du lịch đường thủy sẽ là sản phẩm đặc trưng của TP.HCM. |
“Chúng ta nên nhớ rằng du khách không ngần ngại chi tiền cho những sản phẩm du lịch dịch vụ tốt. Vấn đề là sản phẩm du lịch đường thủy của chúng ta có đáp ứng được kì vọng của du khách hay chưa?” – ThS Vinh nhận định.