The Masked Singer là chương trình truyền hình thực tế ca nhạc. Các ca sĩ nổi tiếng biểu diễn trong mascot để giấu danh tính thật sự của họ.
Ra đời năm 2015 tại Hàn Quốc, chương trình đã ký bản quyền phân phối định dạng tại hơn 50 quốc gia cho đến nay và là định dạng bán chạy nhất thế giới trong ba năm liên tiếp, theo K7 Media.
Ở Việt Nam, Ca sĩ mặt nạ đã bước qua mùa 2 và đang là chương trình giải trí thu hút đông đảo khán giả quan tâm.
Mới đây, một cuộc họp được tổ chức trong khuôn khổ Broadcast Worldwide (BCWW) diễn ra ở Hàn Quốc từ ngày 16 đến 18-8, Ca sĩ mặt nạ (The Masked Singer) được nhắc đến như là một ví dụ quan trọng cho việc mở rộng lãnh thổ của một chương trình truyền hình thực tế Hàn Quốc.
Phát triển như một thương hiệu
Mùa 1 ở Việt Nam, Ca sĩ mặt nạ trở thành chương trình truyền hình âm nhạc nổi bật nhất năm 2022, thu hút gần 1 tỉ lượt xem trên các nền tảng số, giữ vị trí top YouTube Trending cả 16 tập phát sóng.
Chương trình nhận nhiều thảo luận trên mạng xã hội, giành giải Mai Vàng 2022 ở hạng mục Chương trình trên nền tảng số và truyền hình được yêu thích nhất.
Ở mùa 2, tập 2 của chương trình này đã có ba nội dung lọt vào top trending trên YouTube, tính đến 15h ngày 17-8 thì tập 2 đứng thứ 5, ca khúc Ngày mai người ta lấy chồng của Voi Bản Đôn đứng thứ 8 và phần lộ diện đứng thứ 17.
Ca khúc Ngày mai người ta lấy chồng trong Ca sĩ mặt nạ hiện đang rất hot - Nguồn: Vie Channel - MUSIC
Nhìn ra thế giới, Ca sĩ mặt nạ cũng rất thành công. Năm 2019, chương trình được Fox (Mỹ) mua bản quyền và làm lại. Đến nay, Fox đã sản xuất đến mùa thứ tám. Ca sĩ mặt nạ cũng đã được làm lại ở Đức, đã phát sóng mùa thứ bảy và có mặt ở Ý.
ITV của Anh cũng đã điều chỉnh định dạng ban đầu để tạo ra một phiên bản mới cuộc thi khiêu vũ có tên Vũ công đeo mặt nạ. Tại LA Screening - sự kiện thị trường nội dung quốc tế - định dạng của chương trình này cũng đã được bán cho các quốc gia Mỹ Latin.
Thành công vang dội trên khắp thế giới của chương trình đã khiến người sáng tạo ban đầu Park Won Woo, giám đốc điều hành của dITurn, trở thành người châu Á đầu tiên nhận được Giải vàng tại Giải thưởng Định dạng quốc tế.
Các xu hướng có đến rồi đi
Trước đây, các chương trình truyền hình thực tế ít đạt được những thành công lớn trên toàn cầu. Lý do bởi rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa.
Mặt khác, format chương trình chưa thể hiện được sự thú vị và hấp dẫn đối với khán giả thế giới.
Nhưng gió đã xoay chiều, các chương trình thực tế của Hàn Quốc hiện thu hút sự chú ý, được nhiều nước mua định dạng chương trình để làm lại chúng ở quốc gia của họ.
Korea Times cho biết một cuộc họp được tổ chức trong khuôn khổ Broadcast Worldwide (BCWW) diễn ra ở Hàn Quốc từ ngày 16 đến 18-8, Ca sĩ mặt nạ (The Masked Singer) được nhắc đến.
Helen Greatorex, người đứng đầu bộ phận mua lại định dạng tại công ty sản xuất truyền hình Pháp Banijay, nói rằng thành công lớn của The Masked Singer là đã làm thay đổi cách mọi người nhìn nhận các nội dung giải trí trên truyền hình của Hàn Quốc.
Biên tập viên Ủy ban Giải trí của BBC Katie Taylor cho rằng một trong những yếu tố chính mà ngành công nghiệp giải trí đang tìm kiếm ở các định dạng nội dung là sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro sau khi đã trải qua những thay đổi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19.
Trước đó trong một phát biểu, Adam Steinman - phó chủ tịch sáng tạo, định dạng, phát triển và bán hàng tại Warner Bros. International Television Production - cho rằng:
"Các định dạng chương trình thực tế của Hàn Quốc có chất lượng cao nhưng sản xuất có mức giá thấp hơn, chỉ chiếm một phần nhỏ so với chi phí của các chương trình ở Mỹ hoặc Anh. Điều này giúp các công ty dễ tiếp cận để mua chúng".
Và yếu tố khiến chương trình này hấp dẫn, theo nhà sản xuất điều hành của chương trình Craig Plestis, là: "Khi nhiều người ở nhà xem truyền hình do COVID-19 thì các chương trình Hàn Quốc với tiêu chí đơn giản nhưng thú vị dễ dàng tập hợp các thành viên trong gia đình cùng xem".
Ở Việt Nam, Ca sĩ mặt nạ mới phát sóng được hai mùa nên sự mới mẻ, gây tò mò với khán giả vẫn còn.
Nhưng để đi được một chặng dài tiếp theo, nhà sản xuất cần phải có những chiến lược cụ thể để giữ khán giả là một thách thức không nhỏ.
"Các xu hướng đến rồi đi, chỉ tính chân thực trong cách kể chuyện là ở lại" - ý phát biểu của Harry Gamsu, phó chủ tịch phụ trách sáng tạo, định dạng, phát triển và bán hàng của Warner Bros. International TV Production, trong cuộc họp Hàn Quốc nói trên đáng để suy nghĩ.
Tính đến ngày 18h ngày 20-8, ca khúc Ngày mai người ta lấy chồng (sáng tác Đông Thiên Thức) do Voi Bản Đôn hát có 2,8 triệu lượt người xem trên YouTube và có đến 6.200 bình luận.