Đại tướng Listyo Sigit Prabowo, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, Trưởng AMMTC Indonesia chủ trì Hội nghị. Sau phát biểu chào mừng của Đại tướng Listyo Sigit Prabowo và Tổng thống Cộng hòa Indonesia Joko Widodo, Hội nghị đã bước vào Phiên họp toàn thể.
Các nước ASEAN đã đồng thuận tổ chức tiếp các Cuộc họp tham vấn với 03 nước đối tác đối thoại, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để tiếp tục củng cố và thúc đẩy quan hệ hợp tác trong phòng, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia cũng như ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống đã và đang nổi lên trong khu vực.
Đại tướng Listyo Sigit Prabowo, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, Trưởng AMMTC Indonesia chào đón Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và Đoàn đại biểu Việt Nam. |
Tại Phiên họp toàn thể, các Đoàn đại biểu đã trao đổi quan điểm về các nỗ lực quốc gia, khu vực và quốc tế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; thông qua tiêu chí hướng dẫn và phương thức về việc thu hút các đối tác bên ngoài về Hội nghị cấp Bộ trưởng về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC) và các cơ chế giám sát liên quan; thông qua Tài liệu khái niệm về việc xem xét các lĩnh vực ưu tiên và khả năng luân chuyển vai trò của nước chủ trì loại tội phạm trong SOMTC; thông qua Tài liệu khái niệm về cập nhật Phụ lục I của Hiến chương ASEAN về đặt tên AOMTC là “Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia”; thông qua hướng dẫn triển khai tư cách quan sát viên của Timor -Leste trong AMMTC và các cơ chế giám sát.
Cùng với đó, Hội nghị đã thông qua các Tuyên bố ASEAN gồm: Tăng cường hợp tác trong bảo vệ và hỗ trợ nhân chứng và nạn nhân của tội phạm xuyên quốc gia; phát triển hệ thống khu vực để ứng phó và cảnh báo sớm nhằm phòng, chống bạo lực cực đoan; phòng, chống buôn lậu vũ khí. Thông qua kế hoạch hành động liên ngành ASEAN về phòng, chống mua bán người (2023-2028), đặc biệt là thông qua Tuyên bố chung Hội nghị AMMTC 17… cũng như nhiều nội dung quan trọng khác.
Đại tướng Listyo Sigit Prabowo chủ trì Phiên họp toàn thể Hội nghị AMMTC 17. |
Phát biểu tại Phiên họp toàn thể Hội nghị AMMTC 17, thay mặt Đoàn đại biểu Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc gửi lời chào trân trọng và chúc sức khỏe đến Trưởng đoàn các nước, các đại biểu tham dự Hội nghị. Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng gửi lời cảm ơn đến Cảnh sát Quốc gia Indonesia đã dành cho Đoàn đại biểu Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, chu đáo và chủ trì tổ chức sự kiện quan trọng với tinh thần “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của sự tăng trưởng”.
Đánh giá sâu những yếu tố của tình hình khu vực, thế giới, những yếu tố phức tạp mới cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 tác động, ảnh hưởng toàn diện đến các nước, các lĩnh vực, trong đó có Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Tại Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Công an Việt Nam đã ra quyết định khởi tố 61 vụ án với 75 đối tượng phạm tội là người nước ngoài, tập trung vào các loại tội phạm về ma túy (23 vụ, 26 đối tượng), xâm phạm trật tự xã hội (26 vụ, 36 đối tượng), tội phạm về kinh tế và môi trường (12 vụ, 13 đối tượng). Trước thực trạng đó, Việt Nam đã chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các kế hoạch, biện pháp phòng, chống tội phạm và đã đạt được một số kết quả tích cực, đồng thời đang từng bước xây dựng và phát triển dữ liệu quốc gia kết nối thế giới nhằm mục đích phục vụ công tác phòng, chống tội phạm.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại Hội nghị. |
Dẫn chứng và phân tích cụ thể kết quả, kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống từng hệ, loại tội phạm như tội phạm ma túy, tội phạm mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người, phòng, chống khủng bố, các loại tội phạm xuyên quốc gia khác, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định: Trong năm 2022, lực lượng chức năng đã bắt giữ 26.193 vụ với 40.113 đối tượng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, phát hiện 14.679 vụ (tăng 9,98% so với cùng kỳ năm 2022), bắt giữ 20.790 đối tượng. Cũng trong giai đoạn trên, lực lượng chức năng phát hiện 578 vụ liên quan đến tội phạm về lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng mạnh 853 vụ (bằng 147% so với cả năm 2022). Về tội phạm mua bán người, từ đầu năm 2003 đến nay, đã xử lý 26 vụ (tăng 85,7% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó, mua bán trẻ em xảy ra 8 vụ (tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2022).
Về phòng, chống khủng bố, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định tại Việt Nam chưa xảy ra khủng bố do cá nhân, tổ chức khủng bố quốc tế thực hiện. Tuy nhiên, Việt Nam đã xác định các nguy cơ khủng bố liên quan từ các nhóm khủng bố, bạo lực cực đoan; các tổ chức phản động lưu vong… Đồng thời, Việt Nam luôn tích cực hợp tác chống khủng bố với các quốc gia trong khu vực thông qua triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về phòng, chống sự gia tăng cực đoan hóa và chủ nghĩa cực đoan bạo lực (Kế hoạch hành động Bali giai đoạn 2019-2025). Tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ diễn biến phức tạp.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, các loại tội phạm xuyên quốc gia có đặc điểm chung là triệt để lợi dụng công nghệ cao, thành tựu khoa học kỹ thuật để phạm tội với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng thực thi pháp luật các nước. Các đối tượng tạo lập tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook), thành lập các hội nhóm trên không gian mạng, sử dụng các trang thương mại điện tử để thực hiện hành vi quảng cáo, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Các loại tội phạm khác như cướp biển, tội phạm kinh tế quốc tế, rửa tiền mặc dù được chú trọng kiểm soát và phòng ngừa nhưng tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.
Phó Tổng Thư ký ASEAN phát biểu tại Hội nghị. |
Dự báo tình hình khu vực và thế giới trong thời gian tới tiếp tục biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tác động sâu rộng đến tình hình tội phạm, cũng như những thủ đoạn phạm pháp của các loại tội phạm, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá: Công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia của các nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. “Là một nước thành viên ASEAN, Việt Nam cam kết tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các khuôn khổ hợp tác của ASEAN nói chung và hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia nói riêng”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.
Nhằm góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc kiến nghị 05 nội dung quan trọng tại Hội nghị. Cụ thể, thời gian tới, đề xuất ủng hộ việc chuyển giao cho Việt Nam hoặc đồng chủ trì với Việt Nam một lĩnh vực tội phạm ưu tiên trong ASEAN trong thời gian tới; tăng cường xây dựng lòng tin chính trị trong hợp tác an ninh và phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; cam kết không cho phép bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào lợi dụng địa bàn nước này gây tổn hại an ninh và hoạt động phạm tội tại nước kia.
“Cần thiết lập cơ chế trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin nhanh chóng, kịp thời về tình hình, xu hướng, phương thức thủ đoạn và chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia giữa cơ quan thực thi pháp luật các nước ASEAN; phối hợp triển khai điều tra chung, đấu tranh chuyên án chung; cử tổ công tác sang phối hợp xác minh, điều tra, bắt giữ kịp thời các đối tượng phạm tội ở nước này lẩn trốn ở nước kia” – Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đề nghị nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật trong ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, kết nối dữ liệu phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn chuyên đề nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và không để đi sau tội phạm; tiếp tục nghiên cứu đề xuất các dự án hợp tác trong khuôn khổ SOMTC với các nước đối tác đối thoại của ASEAN nhằm tranh thủ sự hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Chúng ta cần nâng cao hiệu quả hợp tác trong phối hợp thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ, chuyển giao, truy nã tội phạm, thu hồi tài sản; tích cực khai thác sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có của INTERPOL, ASEANAPOL để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, nhất là những thông tin liên quan đến hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia.
Đại biểu Đoàn Timor - Leste tham dự Hội nghị. |
Tập trung đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý và cơ chế tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình hợp tác; chú trọng việc đề xuất xây dựng và ký kết các văn bản hợp tác pháp lý song phương về tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm và chuyển giao người bị kết án phạt tù.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã trân trọng cảm ơn, gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến Trưởng đoàn các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và Timor - Leste đã luôn quan tâm, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng.
*Ngay sau khi kết thúc Phiên họp toàn thể Hội nghị AMMTC 17, chiều cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và Đại tướng Listyo Sigit Prabowo, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, Trưởng AMMTC Indonesia đã ký kết Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam và Indonesia.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và Đại tướng Listyo Sigit Prabowo ký kết Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam và Indonesia. |
Các đại biểu hai Đoàn Việt Nam và Indonesia chứng kiến việc ký kết Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam và Indonesia. |
Ngoài Việt Nam, có 05 nước gồm Lào, Singapore, Thái Lan, Campuchia và Malaysia cũng ký Hiệp định phòng, chống mua bán người với Indonesia.
Xem thêm: 41163=DImetI?lmth.02-iaogn-iod-nit-gnoht/neik-us-cut-nit/nv.vog.nagnocob