Tái hợp trong tác phẩm kinh phí 200 triệu USD, Killers of the Flower Moon, của nhà làm phim gạo cội Martin Scorsese, họ lại đóng vai hai gã đàn ông trong một gia đình, lần này là hai cậu cháu, lại có một kẻ thao túng kẻ kia.
Ai là sói?
Dựa trên tác phẩm điều tra phi hư cấu cùng tên của nhà báo David Grann, bộ phim điện ảnh của Scorsese không xây dựng từ góc độ của một người phá án lạc giữa sương mù như tác phẩm gốc, mà kể một câu chuyện từ bên trong của một gia đình da đỏ.
Gia đình ấy chỉ có một bà mẹ già và những cô con gái lấy chồng da trắng, với trung tâm là cuộc tình giữa nàng Mollie (Lily Gladstone) và Ernest (Leonardo DiCaprio) - một người tài xế đến giúp việc cho ông cậu Hale (Robert De Niro) - phó cảnh sát trưởng, quý ông được coi là đồng minh thân thiết của người bản địa, "nhà vua của những ngọn đồi Osage".
Có một cảnh khi Ernest đọc một cuốn truyện tranh có câu "Bạn có thể tìm thấy những con sói trong bức tranh này không?", Scorsese thì không hề giấu những con sói trong bộ phim của mình.
Ngay từ rất sớm, khán giả đã đánh hơi được lũ sói trắng trà trộn trong bầy cừu đỏ. Thậm chí phần lớn thời gian, ta được theo chân và nhìn từ góc nhìn của sói. Câu chuyện vì thế không kịch tính kiểu trinh thám, vì ta đã biết thủ phạm rồi còn đâu.
Cái mà ta không biết, là làm thế nào mà một người chồng yêu vợ, một người đàn ông có vẻ hiền lành vô hại lại có thể bị dụ khị tham gia âm mưu sát hại cả nhà cô hòng chiếm lấy tài sản khổng lồ.
Được xem hai "chàng thơ" (mà với tuổi tác hiện giờ nên gọi là hai "ngài thơ") của Scorsese, Robert De Niro và Leonardo DiCaprio diễn tay đôi là một kiểu ơn phước với những người mê điện ảnh.
Con "sói già" De Niro - hiện thân hoàn hảo của kẻ lọc lõi mỗi nước đi đều nhìn trước năm bước, phong thái đĩnh đạc, không bao giờ nao núng kể cả lúc sa cơ, mà trong tác phẩm gốc mô tả rằng "như thể ông ta nắm cả thế giới trong lòng bàn tay".
Ngược lại, con "sói trẻ" DiCaprio mang sự giằng xé giữa bản chất sói và sự nhận thức về tội lỗi và tình yêu.
Quá trình từng bước nhúng máu của nhân vật Ernest là sáng tạo của Scorsese, vốn không được đào sâu trong nguyên tác. Thay vì coi sự tư lợi là hiển nhiên của những kẻ xâm lăng da trắng, ông cho chúng ta chiêm ngưỡng cách một anh chàng dân quê tầm thường "hóa sói", tìm xem cái dây cót vặn nào đã vặn lên cái ác.
Những người da đỏ bị xẻ linh hồn
Hình ảnh một người phụ nữ da đỏ bị băm nát sọ để đi tìm mảnh đạn đã giết chết cô vẫn chưa phải là hình ảnh ám ảnh nhất của Killers of the Flower Moon. Hình ảnh ám ảnh nhất có lẽ là cảnh Mollie nằm trên giường bệnh sau một thời gian dài bị chính chồng mình đầu độc mỗi ngày, với đôi mắt trũng sâu.
Lily Gladstone, nữ diễn viên có gốc gác bản địa châu Mỹ vào vai Mollie, được ví như một "mặc khải" trong từng khuôn hình cô xuất hiện.
Sự đối lập của Mollie trong phần đầu phim với gương mặt tròn, dáng vẻ phong nhiêu, nụ cười đài các và vẻ u ám như sắp sửa bị thần chết lôi đi sau đó như biểu tượng cho cái thế giới hồn nhiên và hoang sơ của người Osage đang chết dần chết mòn dưới những "mũi tiêm" băng hoại của thế giới da trắng.
Da thịt của cô gái da đỏ bị đâm những mũi tiêm thâm tím, còn đất đai của họ bị khoan xuống lòng sâu để dầu mỏ - thứ máu của đất - vọt lên. Về lý, dầu là của người Osage, nhưng tiền bạc thu về họ không được tự chi tiêu, mà chịu sự quản thúc của giám hộ da trắng.
Dầu là thứ bắt lửa, và hãy nhớ rằng trong bộ phim này, cả hai lần cháy đều do người da trắng gây ra. Đặc biệt là lần cháy thứ hai khi Hale tự đốt nhà mình để kiếm khoản tiền bảo hiểm - một đám cháy được quay tựa một điệu múa quỷ quyệt.
Một số người hẳn cảm thấy phim quá dài, những 206 phút. Nhưng trên thực tế, Scorsese cũng đã phải đơn giản hóa câu chuyện gốc, đặc biệt là tuyến truyện về sự trỗi dậy của FBI nhằm thay đổi hệ thống cảnh sát nhũng nhiễu của nước Mỹ đầu thế kỷ 20.
Scorsese cũng lạc quan hơn David Grann. Tác phẩm của David Grann kết thúc trong tăm tối khi thế giới của người Osage gần như lụi tàn toàn bộ, trong khi tác giả bàng hoàng nhận ra còn hàng ngàn những con sói vẫn an ổn sống mà chẳng bao giờ bị phát giác.
Scorsese đã khép lại phim bằng một lễ hội của những người da đỏ, như cách ông mở đầu phim cũng bằng một nghi thức Anh-điêng. Quá khứ có thể bị lấp liếm che mờ, nhưng quá khứ không thể nào mất đi vĩnh viễn.
Sau 100 năm xưởng phim Disney dệt ước mơ cho toàn thế giới, cùng nhìn lại những di sản thiên tài Walt Disney để lại cho phim hoạt hình nói riêng và điện ảnh nói chung.