Nhiếp ảnh gia độc lập người Ý Fulvio Bugani nhận giải World Press Photo năm 2015 cho tác phẩm về cộng đồng người chuyển giới Hồi giáo ở Indonesia với bộ ảnh có tên Waria.
Anh có mặt ở nhiều vùng chiến sự, chụp những bộ ảnh báo chí xuất sắc, đem lại tác động xã hội mạnh mẽ.
Nhưng Fulvio Bugani hiện diện trước công chúng Việt Nam trong triển lãm cá nhân Sicily hiền lành mà đầy sức gợi, với nhiều câu chuyện ẩn sâu. Cơn thức tỉnh đã đến với Fulvio Bugani đúng lúc anh đạt đỉnh vinh quang của nghề nhiếp ảnh báo chí.
Ác mộng và thức tỉnh
Fulvio Bugani kể khi trẻ anh mơ trở thành phóng viên ảnh chiến trường đến các vùng chiến sự chụp những bức ảnh chấn động. Rồi anh cũng đạt được ước mơ khi có mặt ở những vùng chiến sự nóng bỏng trên khắp thế giới chụp những bộ ảnh mạnh mẽ cho các tổ chức bảo vệ nhân quyền.
Fulvio Bugani còn nhớ năm 2004 anh hào hứng theo Tổ chức Bác sĩ không biên giới đến vùng chiến sự giữa Congo và Uganda.
Ngày nọ, một nhóm phiến quân dùng dao tấn công một ngôi làng. Fulvio Bugani là phóng viên da trắng duy nhất chứng kiến và ghi lại những cảnh tượng khủng khiếp, những xác người, những đứa trẻ không chân tay.
Ngay sau đó, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn đã dựng khu cứu trợ cho 5.000-6.000 người nhưng thực tế phải đón 13.000 người.
Và tại đó cũng lại đầy những câu chuyện ám ảnh khác như một cậu thanh niên vi phạm nội quy do những người ở trại tị nạn đưa ra và bị ném đá đến chết bởi chính những người cùng tị nạn. Fulvio Bugani kinh hoàng nhưng anh không được phép chụp ảnh.
Chuyến đi ấy, Fulvio Bugani có bộ ảnh báo chí mạnh mẽ khiến Tổ chức Bác sĩ không biên giới rất hài lòng. Anh trở về thủ đô Compala của Uganda như một người hùng.
Gặp lại người bạn gái cũng là trợ lý của anh đang ở một khách sạn rất thoải mái, vui vẻ, cô nói mọi thứ hoàn hảo. Fulvio Bugani choáng váng, bởi làm thế nào mà hai thế giới lại khác biệt như vậy trong cùng một đất nước.
Những cơn ác mộng xuất hiện thường xuyên hơn. Fulvio Bugani không còn thấy yêu thích những bức ảnh báo chí mình đã chụp. Anh muốn dừng lại, muốn chọn một cách kể khác, những câu chuyện khác trong sân khấu cuộc đời rộng lớn.
Anh muốn trở lại cảm xúc nguyên sơ của người chụp ảnh, chứ không phải những cơn ác mộng triền miên. Fulvio Bugani tìm những lối khác.
Nhiếp ảnh khác, những câu chuyện khác
Fulvio Bugani để đôi chân mình lang thang đến nhiều ngóc ngách của thế giới để chụp những bức ảnh không lập tức gây sốc hay mạnh mẽ tuyên ngôn nhưng nhiều sức gợi sâu xa.
Anh đến Cuba và chụp nhiều bộ ảnh ấn tượng ở đây. Có rất nhiều điều thú vị mà anh muốn kể như chuyện ở đây mọi người sống thật nhiều hơn, trong một thế giới mà dường như người ta đã "quên", đã bớt sống thật đi rất nhiều.
Và anh cũng tìm thấy điều này ở Sicily của nước Ý. Fulvio Bugani chụp ảnh và tìm thấy nhiều phép màu ẩn giấu nơi đây.
Nếu người nước ngoài chỉ nghĩ Sicily là hòn đảo của mafia? Sự thật là trong khi con người đang có xu hướng ham sống ảo thì đời sống ở hòn đảo này rất thật.
Ở đây, người dân mộ đạo, những người phụ nữ thường ở trong căn bếp của mình trong khi đàn ông tụ tập vui chơi giải trí đánh bài những buổi chiều tà. Những đứa trẻ vui đùa trên bãi biển mà không ngồi trước những màn hình... Một lối sống tưởng đang dần biến mất.
Sicily phần nhiều là người già, phụ nữ, trẻ nhỏ, thiếu niên. Những người thanh niên đã di cư lao động tìm những cơ hội tốt hơn.
Hòn đảo đẹp trong sự thanh bình và cả nỗi cô quạnh không lời. Fulvio Bugani kể tất cả những câu chuyện này trong 20 bức ảnh chọn lọc của anh đang trưng bày tại Ngôi nhà Ý (18 Lê Phụng Hiểu, Hoàn Kiếm, Hà Nội), kéo dài tới 31-8.
Những bức ảnh thoạt xem qua tưởng được chụp dễ dàng, nhòa nhạt nhưng đi thật chậm qua chúng, người xem sẽ cảm nhận niềm xúc động tinh vi trong từng khuôn hình như chụp chính nội tâm nhà nhiếp ảnh.
Con đường mới mà Fulvio Bugani đang đi, anh chưa biết thành công ra sao nhưng anh đang hạnh phúc với nó.
Dự án đầu tiên anh muốn chụp là về cộng đồng Queer (người có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt) ở Việt Nam.
8 tác giả Việt Nam và 8 tác giả nước ngoài cùng quy tụ trong triển lãm "Hà Nội - Một thành phố trong nhiếp ảnh". Bằng phương thức biểu đạt của ngôn ngữ nhiếp ảnh, họ tái hiện không gian văn hóa thủ đô với nhiều khám phá mới mẻ mà gần gũi.