Cáo buộc trên được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) nêu trong kết luận điều tra ra ngày 17/8, sau gần 18 tháng điều tra đại án Việt Á. Phan Quốc Việt bị đề nghị truy tố về hai tội: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.
Trong 37 người bị đề nghị truy tố còn lại có 3 nguyên ủy viên trung ương là cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, bị xác định nhận hối lộ hơn 2 triệu USD; cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh bị cáo buộc gây thất thoát gần 19 tỷ đồng; cựu bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhận 4 tỷ đồng; cùng hàng loạt lãnh đạo cấp Vụ, Sở, CDC và nhân viên y tế tỉnh thành.
Cơ quan điều tra xác định, đầu năm 2020, Covid-19 bùng phát, Học viện Quân y đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ giao đơn vị mình phát triển test xét nghiệm. Đề tài khi đó đang được Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (thuộc Học viện) nghiên cứu.
Theo yêu cầu của ông Hùng, ngày 31/1/2020, Học viện Quân y đề xuất Việt Á là đơn vị phối hợp nghiên cứu, chế tạo kit test. Bị can Trịnh Thanh Hùng khi đó là Vụ phó Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất gộp nhiệm vụ chế tạo 20.000 test xét nghiệm cho Việt Á.
Cơ quan điều tra xác định, mục đích của đề xuất gộp nhằm giúp Việt Á được thực hiện cả đề tài, vì Học viện Quân y chỉ có chức năng nghiên cứu, không có chức năng sản xuất. Đề tài được chấp thuận, kinh phí thực hiện đề tài gần 19 tỷ đồng, trích ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ trung ương.
Hợp đồng thực hiện đề tài ký ngày 6/2/2020. Cơ quan điều tra quy kết, Việt đã thông đồng với vụ phó Hùng nhằm "biến kết quả đề tài thành tài sản riêng của Việt Á".
Sau quy trình nghiên cứu test thành công, ông Hùng bị cáo buộc tác động để Học viện Quân y có văn bản nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 của đề tài.
Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia sau đó nghiệm thu giai đoạn 1 và đề nghị Bộ Y tế cấp phép, không nêu đề nghị cấp phép sử dụng cho Công ty Việt Á, song Chủ tịch Việt Á vẫn sử dụng biên bản nghiệm thu này để lập hồ sơ đề nghị, và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm cho Việt Á, kết luận điều tra nêu.
Chất lượng của kit xét nghiệm
Ngày 25/12/2021, Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia họp, đánh giá đề tài nghiên cứu kit xét nghiệm Covid-19 đạt yêu cầu; đề nghị giao quyền sử dụng rộng rãi cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu để sản xuất, thương mại hóa kết quả, phục vụ phòng, chống dịch kịp thời.
Nhưng cơ quan điều tra xác định Việt Á đã bắt đầu sản xuất, bán test xét nghiệm và thu lợi từ năm 2020.
Về chất lượng kit xét nghiệm Việt Á, C03 đã trưng cầu Bộ Y tế giám định về thành phần hóa học, cấu trúc, trình tự các mồi, mẫu dò, tính năng, công dụng, hiệu quả test. Theo kết luận giám định, sản phẩm đảm bảo 4 tiêu chí là giới hạn phát hiện, độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính, phù hợp với hồ sơ cấp số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế.
C03 xác định, giá sản xuất tối đa một test của Việt Á khoảng 143.000 đồng (nguyên liệu, phí nhân công, phí sản xuất, bán hàng, chi phí hợp lý, hợp lệ và lợi nhuận 5% theo quy định...)
Năm 2020 và 2021, Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu test, tiêu thụ 8,3 triệu test theo đơn giá 470.000 đồng, tức gấp hơn 3 lần giá sản xuất. Việt Á đã được thanh toán gần 6 triệu kit, tổng hơn 2.250 tỷ đồng. Số tiền Việt Á hưởng lợi trái phép được xác định gần 1.236 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, các bị can Chu Ngọc Anh, cựu thứ trưởng Phạm Công Tạc và cựu vụ phó Hùng biết rõ quyền sở hữu, sử dụng kết quả nghiên cứu Đề tài thuộc về Nhà nước; biết Công ty Việt Á quản lý, khai thác và sử dụng kết quả này để sản xuất thương mại là sai luật nhưng không làm đúng chức vụ, không ngăn chặn, xử lý sai phạm.
Họ bị cáo buộc đã "tạo điều kiện để Việt Á biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước, thành sản phẩm thương mại thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, sản xuất, thương mại hóa, thu lời bất chính, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước".
C03 xác định ông Ngọc Anh và ông Tạc không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận gì với Việt về việc đưa nhận tiền. Hai ông cũng không gây khó khăn nhằm mục đích Việt phải đưa tiền. Cả ba được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án và có thành tích xuất sắc trong công việc.
Vụ án Việt Á được coi là điển hình về "tham nhũng có hệ thống" do tính quy mô, xảy ra từ cơ quan, bộ ngành trung ương đến các địa phương. Sau gần hai năm điều tra, nhà chức trách đã khởi tố 111 người trong "chùm" 33 vụ án liên quan Việt Á.
Xem thêm: lmth.6112464-gneir-nas-iat-hnaht-coun-ahn-uuc-neihgn-iat-ed-pehp-uhp-a-teiv-hcac/ten.sserpxenv