Tại buổi triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức ngày 22-8, ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc sở - nói về việc dạy học môn tích hợp: "Bao lâu nay chúng ta than thở rằng học sinh vác cặp quá nặng. Các em phải học quá nhiều kiến thức. Giờ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã tích hợp một số môn, kiến thức nhẹ nhàng rồi thì chúng ta cần giữ vững quan điểm đó. TP.HCM sẽ quyết liệt, kiên trì dạy học môn tích hợp ở bậc THCS vì nó có lợi cho học sinh".
Ông Hiếu cho rằng có thể có một số tỉnh, thành gặp khó khăn trong việc triển khai giảng dạy môn tích hợp. Tuy nhiên TP.HCM đã chuẩn bị từ rất sớm. Trong đó bao gồm cả việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên hiện có để dạy tích hợp và việc đào tạo mới giáo viên dạy tích hợp.
Cũng tại buổi họp trên, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình báo cáo tham luận về việc bồi dưỡng giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên. (Sáng kiến "gỡ khó"cho giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên của quận Tân Bình đã được Tuổi Trẻ Online ghi nhận tại bài viết Giúp giáo viên tự tin dạy tích hợp).
Tại buổi họp, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu các phòng giáo dục chủ động, sáng tạo trong việc bồi dưỡng giáo viên như quận Tân Bình.
Ông Hiếu nhấn mạnh tại buổi họp: "Vì lợi ích của người học, tôi đề nghị các đơn vị tăng cường tổ chức chia sẻ đồng nghiệp, giúp giáo viên tự tin hơn khi dạy môn tích hợp. Các trường cần tập trung thay đổi cách dạy, cách học, làm sao để dạy học nhẹ nhàng nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình".
Môn tích hợp là gì?
Môn tích hợp là môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, áp dụng giảng dạy trong các trường THCS từ năm 2021. Trong đó, môn khoa học tự nhiên tích hợp từ môn lý, hóa, sinh của chương trình cũ. Môn lịch sử và địa lý tích hợp từ môn lịch sử và địa lý của chương trình cũ. Tuy nhiên, quan điểm xây dựng chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đổi mới, theo hướng phát triển năng lực - phẩm chất học sinh. Yêu cầu cần đạt của chương trình cũng khá nhẹ nhàng chứ không nặng nề như trước.
Tuy nhiên khi triển khai chương trình, nhiều giáo viên phản ánh rằng họ đang gặp nhiều khó khăn. Lý do là trước đây họ được đào tạo dạy đơn môn, nay phải dạy đa môn. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉnh sửa chương trình môn tích hợp theo hướng tách ra đơn môn như cũ.
Trong buổi gặp gỡ giáo giới cả nước ngày 15-8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết 'khả năng cao' sẽ có điều chỉnh chương trình môn tích hợp ở bậc THCS. Nhưng điều chỉnh thế nào để tốt hơn mà không gây xáo trộn?