Cháu kể với tôi rằng, đã cùng nhóm bạn lấy gậy đánh khiến một người trong nhóm đối phương bị thương, phải đi bệnh viện khâu mấy mũi và đang điều trị. Con tôi trực tiếp đánh vào đầu nạn nhân.
Tôi đang rất lo lắng, liệu con trai có bị xử lý hình sự không?
Độc giả Minh Huệ
Luật sư tư vấn
Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, hành vi dùng gậy đánh vào đầu bạn của con trai chị là cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Đây là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu hành vi này gây tổn thương cơ thể cho nạn nhân từ 11% đến 30%; hoặc dưới 11% nhưng sử dụng hung khí nguy hiểm, phạm tội với người dưới 16 tuổi, người già yếu, phạm tội có tổ chức...
Vì con của chị chỉ 15 tuổi nên theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, thì cậu bé chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, hậu qủa gây ra là làm chết người; gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng sử dụng hung khí nguy hiểm hoặc hành vi phạm tội có tổ chức...
Đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nêu trên thì khung hình phạt có thể áp dụng là: phạt tù từ 5 đến 10 năm; 7 đến 14 năm; 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Như vậy, để kết luận con trai của chị có hay không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại Điều 134 Bộ luật Hình sự, sẽ phụ thuộc vào thương tích của bị hại. Nếu thương tích của nạn nhân dưới 31% tỷ lệ tổn thương cơ thể thì con trai của chị sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, để tránh những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến kết qủa học tập và tâm sinh lý của trẻ, các gia đình cần chú trọng việc giáo dục kiến thức pháp luật cho người chưa thành niên bởi đó là điều vô cùng cần thiết. Ngoài ra, quý phụ huynh cũng cần quan tâm, theo dõi những biến đổi tâm sinh lý của con em mình để có những hướng xử lý điều chỉnh kịp thời.
Luật sư Nguyễn Thị Cẩm Tú
Công ty Luật TNHH Shinrai
Xem thêm: lmth.3033464-gnohk-us-hnih-yl-ux-ib-oc-hcit-gnouht-yag-iougn-hnad-iout-51/ten.sserpxenv