Ông Đào Chiến Thắng, chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng, bị tố tiếp bị cáo bên ngoài trụ sở và gợi ý chung tiền để có mức án có lợi cho bị cáo.
Thẩm phán Nguyễn Duy Hoài - chánh tòa, Tòa hình sự (Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng) - cũng bị tố cáo với nội dung tương tự
Mặc cả tiền bạc?
Người tố cáo ông Thắng, ông Hoài là ông Vũ Tiến Minh (47 tuổi, ngụ huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Tháng 11-2021, ông Minh bị Tòa án nhân dân huyện Đức Trọng tuyên phạt 30 tháng tù giam về tội chống người thi hành công vụ.
Ông Minh là người đánh thành viên đoàn kiểm tra phòng chống dịch COVID-19 vì bị quay phim.
Ngày 31-8-2022, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ngày 22-12-2022, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM có văn bản kháng nghị, đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Trong phiên xét xử ngày 10-3-2023, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã không chấp nhận kháng nghị này.
Đến ngày 18-8-2023, ông Vũ Tiến Minh đã đến thi hành án.
Trong khi được tại ngoại theo kháng nghị, ông Minh đã gửi đơn tố cáo kèm video đến nhiều cơ quan tố tụng tố các ông Đào Chiến Thắng, Nguyễn Duy Hoài đã vi phạm các quy định tố tụng khi gặp gỡ, tiếp xúc với ông Minh ở quán ăn.
Trong đơn tố cáo gửi đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ông Minh nêu: Ngày 19-5-2022 Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng sẽ xét xử phúc thẩm do thẩm phán Nguyễn Duy Hoài làm chủ tọa phiên tòa. Thẩm phán Hoài đã hoãn xét xử.
Chiều ngày 22-5-2022, ông Thắng và ông Hoài đã gọi điện hẹn ông Minh đến một quán ăn ở xã Finôm (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Tại đây, ông Thắng trao đổi và nói ông Minh rút đơn kháng cáo kêu oan và giúp chuyển từ tù giam thành tù treo.
Trong đơn của mình, ông Minh cho rằng vì ông không chấp nhận yêu cầu của ông Thắng, ông Hoài nên bản án của ông sau đó vẫn bị giữ nguyên.
Chánh án, thẩm phán nói gì?
Ngày 23-8, ông Đào Chiến Thắng cho biết đã có báo cáo giải trình gửi Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao việc bị tố tiếp bị cáo ngoài công sở trong quá trình xét xử.
Thẩm phán Nguyễn Duy Hoài cũng giải trình về nội dung nói trên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chánh án Đào Chiến Thắng cho biết sáng 22-5-2022 có cựu cán bộ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nói có người thân ở Hà Nội cần gặp ông Thắng và cho ông số điện thoại.
Ông Thắng đã gọi điện thoại người này và hẹn gặp ở ngã ba Phi Nôm khi ông Thắng quay về.
Trên đường về, chánh án Đào Chiến Thắng và thẩm phán Nguyễn Duy Hoài đi cùng xe vào quán phở bò ở ngã ba Phi Nôm ăn trưa.
Khi đến quán phở, một người đàn ông bước vào. Lúc này ông Hoài nói với ông Thắng đây là bị cáo Vũ Tiến Minh trong vụ án “Chống người thi hành công vụ” đang kêu oan. Ông Hoài bỏ đi ra ngoài chờ chở ông Thắng về.
Trong quán phở, ông Thắng hỏi thì ông Minh nói rằng mình bị oan, có gửi đơn đến tòa án tỉnh.
Chánh án Đào Chiến Thắng giải thích: “Lúc này tôi mới biết người hẹn gặp là bị cáo trong vụ án đang thụ lý. Do tình huống nên tôi nói cơ quan có nhận đơn của Minh và đã chuyển cho hội đồng xét xử để xem xét và không nói gì thêm cho đến khi ăn xong ra về”.
Chánh án Đào Chiến Thắng cho rằng ông Minh tố cáo ông tiếp bị cáo tại quán ăn, ngoài trụ sở là không đúng vì trước khi tiếp xúc ông không biết Minh là ai. Ông Thắng nói tiếp: “Vũ Tiến Minh nói ông và thẩm phán Hoài mặc cả với Minh là hoàn toàn sai sự thật vì khi thấy Minh, ông Hoài thông báo cho tôi biết và đi ra ngoài ngay”.
Chánh án Đào Chiến Thắng cho biết thêm sau khi rời quán ăn, trên đường về thẩm phán Hoài có đề xuất sẽ không ngồi chủ tọa nữa vì sợ mang tiếng.
Chánh án Đào Chiến Thắng đã đồng ý thay thẩm phán khác làm chủ tọa trong phiên xét xử phúc thẩm Vũ Tiến Minh.
Làm sai luật nếu tiếp bị cáo ngoài trụ sở
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) cho biết: "Tại khoản 5 điều 77 Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2014 quy định những việc thẩm phán không được làm. Trong đó, nêu rõ nội dung về việc không được tiếp bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định.
Tại điểm Đ khoản 2 điều 10 Bộ quy tắc và ứng xử của thẩm phán ban hành theo quyết định số 87/QĐ-HĐTC của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia cũng quy định những việc thẩm phán không được làm. Cụ thể, tiếp xúc bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác trong vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định".
Từ các quy định trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, thẩm phán có thể bị cách chức nếu tiếp đương sự trong vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp vi phạm đều bị cách chức, mà phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm.
Chống người thi hành công vụ
Chiều 4-7-2021, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đi kiểm tra xử lý vi phạm trong phòng chống dịch COVID-19.
Tại quán ăn Linh Nhi ở thị trấn Liên Nghĩa, đoàn phát hiện hai xe ô tô đang để trước quán, bên trong có 9 người đang ngồi ăn uống. Lúc này, bà Nguyễn Hoàng Phương Thảo - chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đức Trọng - dùng điện thoại quay phim vụ việc.
Ông Vũ Tiến Minh đến trình bày việc ăn cơm là người trong gia đình với nhau. Do hình ảnh bị mờ nên bà Thảo đến bàn của ông Minh để quay thì ông Minh phản ứng, cho rằng đoàn quay phim, chụp hình mà không xin phép.
Ông Minh cầm một chiếc ghế đập về phía bà Thảo, bà Thảo tránh được. Chiếc ghế chạm vào tường rồi văng vào cổ tay làm chiếc điện thoại rơi xuống nền nhà.
Ông Minh bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ và bị Tòa án nhân dân huyện phạt 30 tháng tù.
Nhận hối lộ của nữ bị cáo tại khách sạn, nguyên phó chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu bị tuyên phạt 4 năm tù, đồng thời bồi thường cho bị hại 80 triệu đồng.