Reuters cho biết, Star Group Industrial (SGI - của Hàn Quốc, chuyên sản xuất nam châm) và Baotou INST Magnetic (Trung Quốc) sẽ tham gia vào việc chuyển dây chuyền lắp ráp khỏi Trung Quốc như nhiều công ty thuộc lĩnh vực điện tử, ôtô khác. Điều này diễn ra trong bối cảnh hạn chế thương mại ngày càng gia tăng, thậm chí đã có khách hàng yêu cầu doanh nghiệp phải dịch chuyển.
SGI đang đầu tư 80 triệu USD vào một nhà máy mới tại Việt Nam. Việc sản xuất sẽ bắt đầu từ 2024. Nhà máy này sẽ tăng gần gấp đôi sản lượng hiện tại là 3.000 tấn một năm từ các nhà máy ở Hàn Quốc, Trung Quốc. Công ty cho biết họ lấy phần lớn đất hiếm từ Trung Quốc nhưng đang tìm kiếm nguồn thay thế ở Việt Nam và Australia, đồng thời có kế hoạch phát triển một cơ sở chế biến tại Việt Nam.
Baotou INST Magnetic dự kiến bắt đầu hoạt động vào đầu tháng tới tại một nhà máy thuê ở phía bắc Việt Nam sau khi được địa phương chấp thuận vào tháng 6. Đây là công ty nam châm lớn chuyên về thiết kế mạch, được thêm vào danh sách nhà cung ứng của Apple vào 2021. Việc mở rộng hoạt động sang Việt Nam của công ty này theo yêu cầu của khách hàng nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng.
Luxshare và Foxconn cũng nằm trong số các nhà cung cấp chính của Apple sản xuất các sản phẩm có nam châm tại Việt Nam, như máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook.
Nam châm đất hiếm là ngành sản xuất chiến lược do là yếu tố cốt yếu trong sản xuất xe điện, tua-bin gió, vũ khí, điện thoại thông minh. Hiện Trung Quốc là nước thống trị về nam châm và kim loại đất hiếm để làm ra sản phẩm này. 92% sản lượng nam châm trên toàn cầu do Trung Quốc cung cấp; nước này cũng chiếm ưu thế trong khai thác, chế biến quặng.
Tuy nhiên, Việt Nam đang nổi lên là đối thủ để cạnh tranh. Những người trong ngành đánh giá, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm chưa được khai thác đứng sau Trung Quốc, cùng ngành công nghiệp chế biến liên quan non trẻ. Chẳng hạn, dự án của SGI tại Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 đạt sản lượng 5.000 tấn nam châm neodymium (nam châm đất hiếm được tạo ra từ hợp chất của Neodymi, sắt, Bo) cao cấp mỗi năm, đủ cho 2 triệu xe điện.
Bộ Năng lượng Mỹ trích dẫn dữ liệu của Adamas Intelligence cho thấy, Việt Nam đang sản xuất 1% lượng nam châm trên toàn thế giới.
Theo ước tính của Project Blue (đơn vị tư vấn vật liệu hiếm), nếu nhà máy của SGI hoạt động hết công suất sẽ tạo ra gần 3% sản lượng toàn cầu vào năm 2022. Dữ liệu thương mại của Mỹ chỉ ra, con số này tương đương gần một nửa lượng nam châm neodymium nhập khẩu vào nước này năm ngoái.
Giới chức Mỹ cũng tỏ ra quan tâm nhiều hơn với tiềm năng đất hiếm của Việt Nam. Hàn Quốc cũng ký một thỏa thuận với Việt Nam hồi tháng 6 để tăng cường chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng.
Các nhà sản xuất nam châm bị thu hút đến Việt Nam vì chi phí lao động thấp, khả năng tiếp cận nhiều thị trường nhờ vào một loạt FTA mà Việt Nam đã ký kết. Họ cũng muốn tiếp cận với các khách hàng có trụ sở tại Việt Nam, ví dụ các nhà sản xuất ôtô, công ty điện tử, vốn đang cảnh giác hơn với việc phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc.
Theo một nguồn tin giấu tên, Reuters cho biết, Việt Nam là nước duy nhất ngoài Trung Quốc có tất cả giai đoạn của chuỗi cung ứng nam châm, từ khai thác đất hiếm đến sản xuất hạ nguồn.
Đức Minh (theo Reuters)