Chiều 25/8, TAND Đà Nẵng tuyên phạt bị cáo Tôn Thất Thạnh (59 tuổi, cựu Giám đốc CDC Đà Nẵng) án 11 năm tù; Nguyễn Thị Thanh Nhàn (41 tuổi, cựu Trưởng khoa Xét nghiệm của CDC) 10 năm tù và Lê Thị Kim Chi (37 tuổi, nhân viên khoa Xét nghiệm) 5 năm tù về tội Tham ô tài sản. Thời hạn tù áp dụng từ khi các bị cáo bị bắt tạm giam, tháng 6/2022.
Nói lời sau cùng, các bị cáo xin lỗi cán bộ, công chức, người lao động ở CDC và ngành y tế vì hành vi phạm tội của mình đã ảnh hưởng thành tích chống dịch cùng danh tiếng, danh dự của đồng nghiệp.
Riêng bị cáo Thạnh xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho hai thuộc cấp vì "đó là những cán bộ thực sự máu lửa và thực sự là người tốt".
Bản án xác định từ cuối năm 2020, các bị cáo phát hiện quá trình pha chế, sử dụng các loại hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ xét nghiệm Covid-19 mua từ Việt Á có dư ra số lượng sinh phẩm, hóa chất (do nhà sản xuất đóng gói nhiều hơn để bù trừ cho khoản hao hụt khi pha chế).
Ông Thạnh thống nhất với Nhàn và Chi việc "chỉ báo cáo tiêu hao, quyết toán theo quy cách đóng gói của nhà sản xuất" mà không báo cáo đúng thực tế số lượng sinh phẩm, hóa chất dư ra trên hệ thống sổ sách CDC Đà Nẵng.
Cơ quan điều tra cáo buộc việc này nhằm chiếm đoạt, bán lại vật tư cho Công ty Việt Á, lấy tiền sử dụng cá nhân.
Cơ quan điều tra cho rằng từ 30/1/2021 đến 6/4/2022, tổng số lượng hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế mà ông Thạnh, bà Nhàn và Chi chiếm đoạt, gồm 21.000 kit tách chiết tự động; 10.000 kit tách chiết thủ công; 2.400 kit xét nghiệm PCR; hơn 75.000 tube rỗng. Theo cáo buộc, tổng giá trị tài sản các bị cáo đã chiếm đoạt là 4,5 tỷ đồng.
HĐXX nhận định các bị cáo đã có hành vi tham ô thông qua việc báo cáo không trung thực, để ngoài sổ sách về số liệu hàng tồn kho. Ngoài ra, 7.600 kit xét nghiệm cất giấu ở tủ đựng quần áo nhà vệ sinh Khoa Xét nghiệm là chưa kịp rao bán. Các bị cáo đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động đúng đắn, bình thường CDC Đà Nẵng.
Bản án nêu khi Covid đang diễn biến phức tạp trên cả nước, các bị cáo ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vì "vụ lợi" vẫn thực hiện.
Hiện CDC Đà Nẵng nợ Việt Á hơn 40 tỷ đồng sinh phẩm chống dịch. Tại phiên toà hôm nay, đại diện Việt Á đề nghị CDC Đà Nẵng khấu trừ số tiền 4,5 tỷ đồng trả cho các bị cáo từ khoản nợ này.
Toà tuyên giao trả số tiền hơn 4,5 tỷ đồng cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng quản lý, sở hữu. Sau này, các bị cáo Thạnh, Nhàn và Chi có quyền yêu cầu Công ty Việt Á hoặc Phan Quốc Việt hoàn trả số tiền "tương ứng với giá trị kit xét nghiệm đã nhận".
HĐXX nhận định ông Thạnh chịu trách nhiệm là người đứng đầu CDC, đồng ý chủ trương sai trái dẫn đến sai phạm của các bị cáo; bị cáo Nhàn vừa là người khởi xướng, vừa là người thực hiện tội phạm; bị cáo Chi có vai trò thứ yếu.
Trong phần luận tội, VKSND Đà Nẵng cho rằng bà Nhàn chủ động đề xuất chủ trương bán lại sinh phẩm, hóa chất, kit xét nghiệm cho Việt Á, dẫn đến việc phạm tội của bị cáo Thạnh và Chi. Ông Thạnh và Nhàn là đảng viên, lãnh đạo của Trung tâm CDC nên hành vi tham ô đã làm ảnh hưởng uy tín trung tâm, niềm tin của nhân dân.
VKS rút tình tiết tăng nặng hình phạt là phạm tội có tổ chức song giữ nguyên hai tình tiết phạm tội từ hai lần trở lên và lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội.
Quá trình điều tra và xét xử, toà ghi nhận các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; chủ động bồi thường nhiều hơn một tỷ đồng số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt; có nhiều thành tích trong quá trình chống dịch, nhận bằng khen Thủ tướng...
Ba luật sư bào chữa đưa thêm các lý do xin giảm nhẹ như các bị cáo chưa hưởng lợi gì khi Việt Á khi chưa chuyển tiền nhưng các bị cáo đã tác động gia đình trả lại tiền hay bà Nhàn là người sáng kiến xét nghiệm mẫu gộp giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 tỷ đồng chi cho chống dịch.
Quá trình xét hỏi hôm nay xác định ba bị cáo chưa nhận tiền bán hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm và vật tư y tế cho Công ty Việt Á, do công ty này chưa thanh toán. Số tiền 4,5 tỷ đồng là tính toán thiệt hại tài sản của cơ quan chức năng dựa trên số lượng hàng hóa các bị cáo đã bán cho Việt Á, thông qua ông Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Bị cáo Chi khai nhận chỉ đạo từ bà Nhàn về việc không đưa số hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm dôi dư vào sổ sách chứ không phải ông Thạnh. Lần đầu tiên thực hiện việc này, Chi thắc mắc thì được Nhàn trả lời đã "xin ý kiến bác Thạnh". Cho rằng đây là công việc được cấp trên giao, Chi thực hiện.
Chi khai không biết việc không báo cáo đúng thực tế số lượng sinh phẩm, hóa chất dư ra trên hệ thống sổ sách CDC Đà Nẵng để làm gì. "Ngay cả khi công an tạm giữ bị cáo cũng không biết. Chỉ khi nhận bản cáo trạng, bị cáo mới biết đó là tham ô tài sản và mới nhận thức được hậu quả do mình gây ra", Chi nói.
Bị cáo Thạnh và Nhàn khai mục đích bán lại số sinh phẩm, hóa chất, kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á là để "bồi dưỡng cho anh em trong cơ quan vì chống dịch vất vả". Nhưng trong phiên xét hỏi chiều nay, đại diện CDC cho biết hành vi phạm tội trên chỉ 3 bị cáo thực hiện, những người khác ở Trung tâm không hay biết.
Nhìn nhận "hành vi của các bị cáo là không đúng" song đại diện CDC Đà Nẵng xin tòa giảm nhẹ cho các bị cáo vì trong thời gian chống dịch các bị cáo đã rất xông xáo, có chuyên môn cao, làm việc không kể ngày đêm và đã giúp thành phố khống chế được các đợt dịch bệnh Covid-19; có nhiều bằng khen, giấy khen, giải thưởng về ngành y.
Xem thêm: lmth.3016464-nas-iat-o-maht-iot-tek-ib-gnan-ad-cdc-cod-maig-uuc/ten.sserpxenv