Làng nghề nhộn nhịp
Thời điểm này làng nghề đan lọp xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cũng đang tất bật vào vụ, bà con nơi đây làm quanh năm theo đặt hàng từ thương lái chuyên phân phối đi các tỉnh như Long An, An Giang.
Ông Bùi Văn Sum, ngụ ấp Long Hậu, xã Hòa Long, cho biết mùa cao điểm làng nghề đan lọp bắt đầu từ tháng 7 âm lịch, nhộn nhịp đến tháng 9 âm lịch hằng năm. Vì thế ngay từ ra giêng, bà con làng nghề đã chuẩn bị thu mua trúc phơi khô chuẩn bị nguyên liệu.
"Từ đầu mùa đến nay thương lái đặt hàng khoảng 2.000 cái, đặt cọc 25.000 đồng/cái, trừ chi phí và nhân công, ước còn lời gần 5.000 đồng/cái. Lọp nan nhỏ, có thể dùng đặt tép, cá chạch, cá bống… Trung bình lọp thành phẩm xài được khoảng 2 năm. Mỗi năm chủ yếu được mấy tháng nước lên vợ chồng tôi làm nhiều lọp hơn, thu nhập cũng cao hơn so với những tháng khác", ông Sum nói.
Để làm được cái lọp phải qua nhiều công đoạn như: chẻ trúc, phơi, chuốt nan, chà bóng, dệt nan, lợp, bện hom, uốn đáy, ráp thành phẩm. Ngày nay có sự hỗ trợ của máy móc nên việc đan lọp của bà con cũng nhanh hơn, sản phẩm đồng đều và đẹp hơn.
Ngư dân chuẩn bị ngư cụ chờ con nước
Huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp là nơi đầu nguồn đón con nước về khá sớm, dù nước nhiều hay ít, theo thông lệ, ngư dân đã sẵn sàng cho vụ mùa.
Ông Nguyễn Văn Thanh, ngụ xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự, cho biết khoảng tháng 4 âm lịch bắt đầu sửa chữa lọp cũ, đan thêm lọp mới để chờ con nước vào mùa bắt cá.
"Trước đây tôi làm nghề câu lưới, dần chuyển qua đặt lọp cá. Đây mình xài loại lọp lớn, đường kính 40cm, dài 1,1m chuyên bắt các loại cá lớn như các rô phi, mè vinh, cá lóc. Thường tôi đi đổ lọp lúc 5h và 12h, trung bình mỗi ngày thu được 8-10kg cá các loại, giá bán bình quân 80.000 đồng/kg, cho thu nhập khá", ông Thanh nói.
TTO - Thời điểm này, nước nổi trên những cánh đồng Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, bà con làng nghề đặt lọp cua đồng cũng tất bật cho mùa đánh bắt.