Sáng 26-8, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết đã có kết luận sai phạm một số dự án "xí phần" trên "đất vàng" rồi chậm tiến độ.
Nhiều dự án ôm "đất vàng" thời gian dài
Trong số này có dự án sân tập golf và biệt thự lưu trú (diện tích hơn 6ha, tổng vốn 19 tỉ đồng) tại phường Nghĩa Đức (TP Gia Nghĩa), được chấp thuận cho đầu tư ngày 18-1-2015. Dự án do Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh golf Gia Nghĩa làm chủ đầu tư, trên diện tích đất ở vị trí khá đẹp, có rừng, có suối, gần trung tâm TP Gia Nghĩa.
Kết quả kiểm tra cho thấy ở hạng mục sân tập golf, doanh nghiệp mới san ủi mặt bằng, xây kè chắn đất, bờ suối, nhà bảo vệ trên diện tích 150m2. Tại hạng mục 15 căn biệt thự (diện tích đất 4.500m2), hiện chủ đầu tư mới cho san ủi mặt bằng, xây kè chắn đất…
Cũng tại Gia Nghĩa, dự án đầu tư xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp của Công ty TNHH một thành viên Phát triển thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Gia Nghĩa chậm tiến độ, đã dừng hoạt động từ năm 2021.
Dự án có tổng diện tích hơn 23.000m2, tổng mức đầu tư 11 tỉ đồng, triển khai từ năm 2013 nhưng đến nay chỉ mới xây dựng một số hạng mục trên diện tích hơn 4.000m2.
Tương tự là dự án Trường tiểu học Hiểu Về Trái Tim (phường Nghĩa Phú, TP Gia Nghĩa) trên diện tích 6,1ha, tổng mức đầu tư 30 tỉ đồng. Dự án gồm 2 giai đoạn, triển khai từ năm 2017, dự kiến năm 2021 sẽ hoàn thành để tạo nên trường học cộng đồng cho các em thiếu may mắn nhưng đến nay vẫn còn dở dang.
Đây là dự án có nhiều ưu đãi, nằm trên vị trí đắc địa tại TP Gia Nghĩa, nhưng việc đầu tư xây dựng ngôi trường đầy tính nhân văn này chưa biết bao giờ mới xong.
Thu hồi dự án chậm triển khai
Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hiệp - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông - cho biết đã tiếp tục lập đoàn kiểm tra 37 dự án chậm tiến độ.
Theo đó, đoàn sẽ kiểm tra hồ sơ pháp lý sử dụng đất, kết quả thực hiện dự án, tiến độ sử dụng đất. Đoàn cũng sẽ xem xét việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai của chủ doanh nghiệp với Nhà nước. Tại một số dự án trồng rừng, cao su, đoàn kiểm tra thêm kết quả giải quyết tranh chấp, lấn chiếm đất đai.
Còn trước đó, cuộc kiểm tra một số dự án tại các huyện Krông Nô, Cư Jut, cơ quan chức năng phát hiện nhiều dự án được giao cả chục năm nhưng chưa đầu tư trên thực địa, đất bỏ hoang từ khi được bàn giao. Khi đoàn tiến hành kiểm tra, doanh nghiệp còn không cử người làm việc, cá biệt có dự án còn không liên hệ được chủ đầu tư.
"Để tăng cường hiệu quả việc sử dụng đất, tránh lãng phí nguồn lực, tỉnh yêu cầu sở phối hợp với các sở ngành, địa phương rà soát tất cả các dự án. Sau khi rà soát, chúng tôi sẽ tham mưu để tỉnh có hướng chấn chỉnh hoặc thu hồi các dự án chậm tiến độ" - ông Hiệp nói.
Một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết đã nhận được báo cáo một số dự án chậm tiến độ nêu trên. Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, các dự án nêu trên thuộc trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.
Tuy nhiên, các dự án cũng gặp nhiều khó khăn do vướng quy hoạch ngành, thiếu đường kết nối, do dịch COVID-19 bùng phát…
"Tỉnh yêu cầu nếu các chủ đầu tư không liên hệ để khắc phục vi phạm, giải quyết vướng mắc thì địa phương sẽ thu hồi dự án theo quy định" - lãnh đạo này nói.
Dự án đê bao ngăn lũ phía nam sông Krông Ana, huyện Lắk (Đắk Lắk) sẽ không hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm nay vì thiếu đất đắp.