Án Nước ngoài:
Níu tình bằng cách dọa đánh bom trên máy bay
New York Post đưa tin, Daniela Carbone, 47 tuổi, tiếp viên hàng không của hãng hàng không Aerolineas Argentinas, đã bị bắt tại sân bay quốc tế Ezeiza ở Buenos Aires vào ngày 21/5. Cô bị cáo buộc đã sử dụng điện thoại di động của con gái để gửi lời đe dọa đánh bom bằng phần mềm bóp méo giọng nói.
“Hãy nói với cơ trưởng rằng chúng tôi đã gài 3 quả bom trên chuyến bay tới Miami. Hãy kiểm tra vì mọi thứ có thể sắp bị nổ tung thành nghìn mảnh”, trích dẫn lời đe dọa.
Toàn bộ 270 hành khách và phi hành đoàn gồm 12 thành viên của chuyến bay AR1304 đã phải sơ tán khỏi máy bay. Bạn trai cũ của Carbone là Picho và bạn gái hiện tại của anh này đều là tiếp viên hàng không trên chuyến bay trên.
Carbone đã bị cảnh sát an ninh hàng không sân bay bắt giữ và buộc tội đe dọa an ninh công cộng và cản trở người thi hành công vụ.
Ngoài ra, 2 chiếc iPhone cũng bị thu giữ tại nhà của nữ tiếp viên. Các nhà điều tra phát hiện ra các lượt tìm kiếm trên thiết bị liên quan tới “cách điều tra âm thanh”, “bạn có thể phân tích âm thanh để tìm ra giọng nói của ai không”, “kích hoạt nhận dạng giọng nói” và “Aerolineas Argentinas”.
Theo lời khai của nữ tiếp viên, cô và Picho yêu nhau 5 năm nhưng đã chia tay. Còn một số đồng nghiệp cho biết, Carbone là một người mẹ đã ly thân và có 25 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không. Cô đe dọa đánh bom vì không thể chấp nhận được việc bạn trai bỏ rơi mình để yêu một nữ tiếp viên khác trẻ trung hơn.
Luật sư biện hộ của Carbone hiện từ chối trả lời bình luận. Nữ tiếp viên Carbone đã bị sa thải và nếu bị kết tội, cô có thể phải chịu án 6 năm tù.
Vụ việc trên khiến hãng hàng không quốc gia Argentina thiệt hại khoảng 1 triệu USD do phải dời lịch các chuyến bay.
Luật Việt Nam:
Thiệt hại càng lớn, mức phạt càng cao
Theo pháp luật Việt Nam, chỉ cần đùa giỡn hoặc đe dọa trên máy bay rằng có bom hoặc mìn thì người đó sẽ bị xử phạt rất nặng, thậm chí xử lý hình sự nếu gây ra những thiệt hại nặng nề cho hãng bay.
Đối với hành vi tung tin, nói đùa trong hành lí có chứa bom, mìn, người vi phạm (bất kể là hành khách hay thành viên tổ bay) đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng với các mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng tùy theo tính chất, mức độ biểu hiện của hành vi (khoản 7, 8 Điều 26 Nghị định số 162/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng).
Hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cản trở giao thông đường không (Điều 278, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) khi có một trong các hậu quả xảy ra như: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Theo định nghĩa, cản trở giao thông đường không là hành vi đặt các chướng ngại vật cản trở giao thông đường không; di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển hiệu, tín hiệu an toàn giao thông đường không; sử dụng sai hoặc làm nhiễu tần số thông tin liên lạc; làm hư hỏng trang bị, thiết bị của sân bay hoặc trang bị, thiết bị phụ trợ khác hoặc có hành vi khác cản trở giao thông đường không gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.
Tội phạm thể hiện ở những hành vi cản trở giao thông đường không, những hành vi khác xâm phạm vào những quy định về an toàn giao thông đường không như: Đặt các chướng ngại vật cản trở giao thông đường không: để vật liệu xây dựng, đồ vật trên đường băng, sân bay…; Di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển hiệu, tín hiệu an toàn giao thông đường không: chuyển dịch biển báo đến vị trí khác; Dùng các đồ vật như vải mưa, cành cây, bùn đất… làm sai lệch, che khuất biển báo hoặc có hành vi phá hủy biển hiệu, phá hủy hệ thống đèn dẫn đường trên đường băng cho máy bay cất cánh, hạ cánh (ban đêm), tín hiệu an toàn giao thông như tháo gỡ, đập phá… làm các biển báo, tín hiệu mất tác dụng; sử dụng sai hoặc làm nhiễu các tần số thông tin liên lạc; Cố ý cung cấp thông tin sai đến mức gây uy hiếp an toàn của tàu bay, an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay hoặc công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng; Làm hư hỏng trang thiết bị của sân bay hoặc trang thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho an toàn bay; Hành vi khác làm cản trở giao thông đường không như thả trâu, bò trên sân bay, đường băng, đào phá sân bay, đường băng lấy vật liệu…
Hậu quả thiệt hại là yếu tố cấu thành bắt buộc của tội phạm.
Trong vụ án trên, chỉ vì bạn trai bỏ rơi mình mà nữ tiếp viên đã đe dọa đánh bom trên chuyến bay. Đây chính là hành vi “cung cấp thông tin sai đến mức gây uy hiếp an toàn của tàu bay, an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay hoặc công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng”. Vụ việc trên khiến hãng hàng không quốc gia Argentina thiệt hại khoảng 1 triệu USD do phải dời lịch các chuyến bay.
Do đó, hành vi của nữ tiếp viên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cản trở giao thông đường không.
Về hình phạt, theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự, nếu gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm tù.
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cản trở giao thông đường không của Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam, thì nữ tiếp viên sẽ phải đối mặt với mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm.
Dù chỉ đùa giỡn hay vì níu tình thì hành vi của nữ tiếp viên trên là không thể chấp nhận được. Hy vọng vụ án này sẽ là bài học cho tất cả mọi người.
Ánh Dương (T/h)