Đó là đề nghị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong công văn gửi ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các địa phương về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Công khai đơn vị trốn đóng bảo hiểm xã hội
Theo Bảo hiểm xã hội, đến tháng 8-2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp lần lượt đạt khoảng 37%, 30% tổng lực lượng lao động. Trong khi đó, số người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 92% dân số.
Bên cạnh đó, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội giảm mạnh, đơn cử như năm 2022 chỉ còn 2,91% số cần thu. Đây cũng là năm có tỉ lệ chậm đóng thấp nhất từ trước tới nay.
Để hoàn thành mục tiêu bao phủ lưới an sinh xã hội vào năm 2025, ngành bảo hiểm đề nghị ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các địa phương chỉ đạo đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội vào nghị quyết của cấp ủy các cấp, kế hoạch phát triển từng năm.
Đồng thời, địa phương phải coi hoàn thành chỉ tiêu là tiêu chí xem xét khen thưởng, đánh giá hoàn thành nhiệm vụ chính trị.
Trong công văn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các địa phương chỉ đạo không khen thưởng, không vinh danh, không xem xét hồ sơ tham gia đấu thầu các dự án đầu tư công của đơn vị trốn đóng bảo hiểm. Cạnh đó, cơ quan chức năng cần công khai rộng rãi đơn vị trốn đóng.
Các địa phương phải quy rõ trách nhiệm của các thành viên trong ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, từ đó có giải pháp ngăn trục lợi, lạm dụng.
Chuyển cơ quan điều tra hồ sơ đơn vị chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Bên cạnh tuyên truyền pháp luật, Bảo hiểm xã hội đề nghị các ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo việc chia sẻ, cung cấp thông tin lao động, kê khai và quyết toán thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Cơ quan bảo hiểm nhấn mạnh giải pháp thanh tra, kiểm tra đơn vị chậm, trốn đóng bảo hiểm từ 3 tháng trở lên và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, thậm chí chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng căn cước công dân gắn chip, sử dụng ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng bảo hiểm số (VssID) để thay thế thẻ bảo hiểm.
Ngoài ra, ngành bảo hiểm xã hội đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường giám sát, tuyên truyền vận động doanh nghiệp, người dân thực hiện tốt chính sách bảo hiểm.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho hay các doanh nghiệp không đồng tình với việc xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là ngừng sử dụng hóa đơn, hoãn xuất cảnh.