Ngày 30-8, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08, Bộ Công an) tổ chức họp báo thông báo kết quả bước đầu triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là Luật số 23) từ ngày 15-8 đến nay.
Bãi bỏ quy định hộ chiếu còn hạn 6 tháng mới được xuất cảnh
Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa - cục trưởng A08 - cho biết Luật số 23 được Quốc hội thông qua ngày 24-6 và có hiệu lực từ ngày 15-8. Từ khi luật có hiệu lực đã góp phần đơn giản hóa, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy cải cách hành chính, phân cấp, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Luật mới còn tạo thuận lợi cho mọi cơ quan, tổ chức, người nước ngoài và người dân khi xuất cảnh, nhập cảnh.
Một trong những điểm mới nổi bật của luật là quy định bổ sung thông tin nơi sinh trên giấy tờ xuất nhập cảnh. Theo Thiếu tướng Khoa, đây là giải pháp kịp thời tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khi xuất cảnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp công dân Việt Nam được tạo thuận lợi khi xin thị thực, nhập cảnh, cư trú... ở những nước có yêu cầu in thông tin nơi sinh trong hộ chiếu.
Cục trưởng A08 cho hay luật này cũng đã bãi bỏ quy định về việc hộ chiếu còn hạn từ 6 tháng trở lên mới được xuất cảnh.
Theo quy định cũ, hộ chiếu của công dân còn hạn từ 6 tháng trở lên mới được xuất cảnh, đề phòng phía nước ngoài không cho nhập cảnh. Tuy nhiên, quy định này đôi khi gây khó khăn cho công dân, đặc biệt đối với các trường hợp mặc dù có hộ chiếu hạn không đủ 6 tháng nhưng có thị thực nhập cảnh nước ngoài hoặc được định cư ở nước ngoài vẫn được phía nước ngoài cho nhập cảnh.
Do đó quy định trên đã được điều chỉnh, sửa đổi thành "công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng".
Nâng thời hạn visa lên 90 ngày
Theo Cục A08, sau dịch COVID-19, lượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong năm 2022 tăng gấp 6,6 lần so với 2021. Tuy nhiên con số này vẫn còn rất thấp so với thời điểm trước dịch năm 2019, chỉ bằng 32,6%.
Trước bối cảnh đó, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì phối hợp cùng các bộ ngành nghiên cứu, đánh giá, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật về xuất nhập cảnh để thu hút khách quốc tế du lịch, đầu tư, lao động.
Do đó, Luật số 23 sửa đổi nhiều quy định theo hướng thông thoáng hơn về thủ tục visa như: nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày thành không quá 90 ngày; nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày thành 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Ngoài ra, theo luật mới, thị thực điện tử sẽ có giá trị một hoặc nhiều lần (trước đây thị thực chỉ có giá trị một lần).
Lãnh đạo A08 đánh giá thời hạn visa được nâng lên thành không quá 90 ngày sẽ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế, nhất là nhóm du khách từ thị trường xa. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư.
Việc nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đã tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch lựa chọn những tour du lịch dài ngày, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình nghỉ dưỡng…
Theo thống kê của A08, sau 15 ngày Luật số 23 có hiệu lực, đã có hơn 112.000 hồ sơ của người nước ngoài đề nghị cấp visa điện tử nhập cảnh vào Việt Nam, tăng hơn 70% so với trước khi luật có hiệu lực.
Trong đó, công dân Trung Quốc sử dụng hộ chiếu điện tử chiếm khoảng 10% với hơn 9.100 hồ sơ, công dân các nước mới được áp dụng cấp visa điện tử đạt 50% với 56.000 hồ sơ.
Cũng trong 15 ngày qua, cơ quan xuất nhập cảnh ghi nhận trên 337.000 lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo diện đơn phương miễn thị thực, tập trung vào công dân các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh...
"Qua nắm tình hình, Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhận thấy du khách nước ngoài, đặc biệt phía Trung Quốc, đánh giá rất cao và có những phản hồi tích cực trước chính sách mới về visa của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để du lịch Việt Nam tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi nhập cảnh theo nguyên tắc có đi, có lại", Thiếu tướng Khoa nhận định.
8 tháng đầu năm, gần 8 triệu khách quốc tế đến Việt Nam
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm, có gần 8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đạt gần 100% kế hoạch cả năm.
Tính riêng trong tháng 8, Việt Nam đón trên 1,2 triệu lượt khách quốc tế, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Đây là tháng đón lượng khách quốc tế cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Các quốc gia có khách du lịch đến Việt Nam nhiều nhất là Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ. Trong đó Hàn Quốc có lượng khách lớn nhất với 2,2 triệu lượt (chiếm 29% tổng lượng khách). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 950.000 lượt; Mỹ đứng thứ 3 với 503.000 lượt.
Lượng khách quốc tế tìm kiếm nơi lưu trú tại Việt Nam cho kỳ nghỉ dài những tháng cuối năm đã tăng đáng kể sau khi chính sách mới về visa của Việt Nam áp dụng từ ngày 15-8 được công bố. Và nhiều doanh nghiệp du lịch kỳ vọng sẽ tận dụng được cơ hội.