Thông tin được nêu từ cuộc họp kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2023 do UBND TP.HCM tổ chức chiều 30-8.
Gặp khó do thủ tục hành chính
Báo cáo tại buổi họp, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết hoạt động của doanh nghiệp thời gian qua vẫn chưa có nhiều tín hiệu phục hồi. Cụ thể, một số doanh nghiệp đã được phê duyệt chương trình kích cầu nhưng chưa được giải ngân, rơi vào hoàn cảnh khó khăn, có khả năng phá sản.
Do vậy, hiệp hội kiến nghị TP nhanh chóng khởi động lại chương trình kích cầu để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Cùng với đó, cần cải thiện một số lĩnh vực thủ tục hành chính, bởi theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thuê đất Nhà nước nhưng không được gia hạn nên không được hưởng chính sách giảm tiền thuê.
Hoặc nhiều trường hợp giấy phép đầu tư hết hạn nhưng không được gia hạn lại. Một số doanh nghiệp ở các khu công nghiệp không được cấp sổ đỏ, dẫn đến muốn xây dựng không được, bán lại cũng không xong.
Đặc biệt, TP.HCM cần giải quyết các vướng mắc về thủ tục phòng cháy chữa cháy. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã “bỏ cuộc”, đóng cửa và di dời vì không đáp ứng điều kiện này. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết với nhóm doanh nghiệp nhà nước qua thống kê có 232 vướng mắc, hiện TP đã giải quyết 119, chiếm tỉ lệ 51%.
Còn 113 vướng mắc chưa có kết quả cụ thể, 51 vướng mắc nằm ở Sở Tài nguyên và Môi trường, 19 vướng mắc ở Sở Kế hoạch và Đầu tư, 19 vướng mắc ở Sở Tài chính.
Ông Mãi đề nghị 3 sở này phân công cán bộ, phân nhóm để có hướng giải quyết, phấn đấu đến hết quý 3 giải quyết cơ bản các vướng mắc. Với các doanh nghiệp bất động sản, hằng tuần UBND TP đều họp để giải quyết các khó khăn. TP sẽ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ.
Giải ngân vốn dự án bồi thường còn chậm
Báo cáo về việc giải ngân vốn đầu tư công của các dự án bồi thường, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết hiện nay TP chỉ mới giải ngân khoảng 6.300/27.000 tỉ, đạt tỉ lệ 35,38%.
Việc phấn đấu đến cuối năm phải giải ngân 95% là một bài toán mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
Theo ông Thắng, trong tỉ lệ giải ngân, cao nhất vẫn là dự án vành đai 3 và đường Dương Quảng Hàm, còn lại 25 dự án số vốn giải ngân rất thấp. Sở Tài nguyên môi trường đã trực tiếp đi từng địa phương để tháo gỡ ngay từ góc độ của phường - bởi tất cả hồ sơ lập phương án bồi thường chi trả đều từ địa phương quyết định.
Ngoài ra, nói đến việc tạo nguồn thu từ đất đai, ông Thắng cho biết sở này đang cùng Sở Tài chính và Hội đồng thẩm định giá tập trung tháo gỡ, thẩm định các dự án còn vướng mắc. Đến nay số duyệt dự án khoảng 5.300 tỉ đồng, số thu vào ngân sách khoảng 2.300 tỉ đồng.
Dự kiến, từ đây đến cuối năm, nguồn thu từ đất đai sẽ đạt gần 19.000 tỉ đồng.
Khó khăn của doanh nghiệp du lịch TP.HCM bao gồm cơ sở lưu trú, dịch vụ, lữ hành vẫn còn rất nhiều như chính sách thị thực chưa hết vướng, các quy định mới về phòng cháy chữa cháy, môi trường... tạo áp lực tài chính, chi phí để tuân thủ.