Sáng 31.8, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Sở TT-TT TP.HCM và Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức tọa đàm "Lực đẩy phát triển từ Nghị quyết 98/2023/QH15".
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 nhấn mạnh, Nghị quyết 98 ra đời tạo công cụ pháp lý để gỡ 2 điểm nghẽn về thể chế và hạ tầng cho thành phố. Dù vậy, vị chuyên gia này cho rằng cần sớm tạo khung pháp lý để vận hành, tạo sự an tâm và xóa đi tâm lý sợ sai khi làm ở đội ngũ cán bộ trong bộ máy chính quyền.
Đồng quan điểm, trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định vấn đề tiên quyết là TP.HCM cần chuẩn bị đội ngũ đủ tâm, đủ tầm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để hiện thực hóa các cơ chế, chính sách đặc thù.
Nghị quyết 98 tập trung phân cấp, phân quyền cho thành phố, nhưng để thực hiện thành công thì đội ngũ thực thi cần phải làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao.
"Để thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, cần đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị và tài năng vượt trội, đủ đức, đủ tài", trung tướng Lượng nói, đồng thời đề nghị chính quyền thành phố quan tâm đến công tác chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần thống nhất nhận thức rằng TP.HCM tiếp tục duy trì vai trò đầu tàu thì phải có các toa tàu phía sau, tức là các tỉnh lân cận. Ông cũng khuyến nghị TP.HCM cần chọn khâu đột phá, bên cạnh hạ tầng giao thông đường bộ thì cần chú trọng đến đường sắt, đường thủy, hàng không để kéo giảm chi phí logistics.
Chuyên gia này phân tích muốn phát triển đô thị thì phải phát triển bất động sản nhà ở và bất động sản công nghiệp. Hiện nay, TPHCM chưa chú trọng đến bất động sản công nghiệp. Với cơ chế thí điểm mô hình TOD, TS Kiên đánh giá đây là cơ hội tốt để phát triển bất động sản công nghiệp, đồng thời thúc đẩy liên kết hệ thống viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp để sản xuất chip.
Tập trung các dự án hạ tầng
Kết luận tọa đàm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh mục tiêu của việc thực hiện Nghị quyết 98 là đưa thành phố trở lại quỹ đạo phát triển với tư cách đầu tàu. Sự chuẩn bị tốt, cụ thể các cơ chế sẽ tạo nền tảng giúp kinh tế TP.HCM bứt tốc và tăng trưởng ở mức 2 con số sau năm 2025.
Với mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), TP.HCM đã rà soát quỹ đất dọc tuyến metro số 1, số 2, đường vành đai 2, 3, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và thấy gần 10.000 ha có thể khai thác. Quỹ đất này khai thác tốt sẽ tạo thành nguồn lực để đầu tư công trình, dự án khác.
Mặt khác, mô hình TOD cũng là cơ sở để thành phố phát triển theo mô hình đa trung tâm từng đưa ra trước đây nhưng chưa có nguồn lực thực hiện. "Khu đô thị Phú Mỹ Hưng như một đô thị vệ tinh nhưng đi vào trung tâm thành phố mất 45 phút, đến sân bay Tân Sơn Nhất mất hơn 1 giờ nên các đô thị như vậy không phát huy được tác dụng", ông Mãi nói.
Đối với hệ thống metro, đến nay TP.HCM mới hoàn thành được tuyến metro số 1 dài khoảng 20 km. TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành 200 km còn lại nên cần nguồn lực rất lớn và mô hình tổ chức riêng.
"Chúng ta không thể đi vay tiền, thuê tư vấn làm metro rồi tiếp tục thuê tư vấn vận hành mà phải phát triển ngành công nghiệp đường sắt đô thị. Từ đó, TP.HCM có đủ năng lực làm tiếp các tuyến metro cho địa phương khác, thậm chí tham gia đấu thầu quốc tế", Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận.
Về công tác cán bộ, ông Mãi cho biết TP.HCM đang khẩn trương xây dựng đề án nền công vụ thành phố hiệu lực, hiệu quả tập trung vào 5 nội dung, từ khâu tuyển chọn, đào tạo, chế độ chính sách, quy trình làm việc. Việc tuyển chọn cũng sẽ có điểm riêng để thu hút người giỏi chuyên môn, có tâm huyết cống hiến, xây dựng, phát triển thành phố.
Các chính sách mới hướng đến mục tiêu giúp công chức, viên chức đủ sống và yên tâm công tác, phục vụ. "Làm công chức, viên chức thành phố thì không thể giàu như doanh nhân nhưng phải đủ sống và an tâm để công tác", Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Báo cáo Quốc hội khi cần thêm ưu đãi đặc biệt
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết ngoài cơ chế chính sách được quy định tại Nghị quyết 98, Quốc hội cũng có điều khoản trong quá trình triển khai, trường hợp cần những ưu đãi đặc biệt, cần huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thì Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với UBND TP.HCM lập quy hoạch của thành phố và quy hoạch vùng Đông Nam bộ một cách đồng bộ, để thể hiện TP.HCM là trung tâm, đầu tàu của cả vùng.