Khó có thể kéo dài mô hình ba tại chỗ như hiện tại
Tại chương trình, vấn đề ba tại chỗ (3T), giữ người lao động sau dịch COVID-19, kiến nghị ngân hàng tháo gỡ khó khăn... tiếp tục được doanh nghiệp chia sẻ.
Ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó chủ tịch Hội Cơ khí, Điện TP.HCM cho biết, hơn hai tuần thực hiện 3T, một số DN nhận thấy mô hình này chỉ có thể kéo dài tối đa một tháng vì về lâu dài không thể biến khu công nghiệp, nhà máy sản xuất thành một khu dân cư.
Tâm lý người lao động bất ổn khi phải ở lâu trong nhà máy chịu sự kiểm soát khắt khe.
Theo ông Duy, các DN đã hoạt động 3T đang dần rút lui vì nhận thấy quá tải về hệ thống an toàn, an sinh, một số vấn đề về môi trường.
DN vừa phải đầu tư cơ sở vật chất vừa tăng gánh nặng chi phí lo cho công nhân sinh hoạt ăn, ở ba bữa cùng nhiều vấn đề phát sinh như kết nối chất thải nguồn thải…
Mặt khác, hiện nay trên phương tiện truyền thông phản ảnh về một số DN 3T trở thành ổ dịch khiến tâm lý người lao động lo lắng nên DN cũng không duy trì 3T.
“DN có nhiều cách để động viên tinh thần người lao động nhưng cần nhà nước có công cụ truyền thông để hỗ trợ DN tuyên truyền để công nhân yên tâm làm việc”, ông Duy nhấn mạnh.
Tương tự ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, ngành dệt may là một trong những ngành đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn và sử dụng lực lượng lao động đông đảo. Thực tế số lượng DN ngành dệt may đáp ứng được 3T chưa nhiều.
Bên cạnh đó, với tình hình dịch diễn biến khó lường, tâm lý người lao động muốn về quê cộng với việc các tỉnh dự kiến đón người lao động về địa phương nên các DN sản xuất càng gặp khó khăn.
Chi phí để doanh nghiệp triển khai ba tại chổ tăng gấp đôi so với bình thường. ẢNH: LỆ QUYÊN
Không gò bó mô hình ba tại chỗ
Ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó chủ tịch Hội Cơ khí, Điện TP.HCM cho rằng thành phố cần có giải pháp thay thế, cải tiến linh hoạt theo từng mô hình DN hoặc địa phương.
Thứ hai cho phép người lao động đã tiêm vaccine được đi về nhà, DN bảo đảm xây dựng quy trình kiểm soát xét nghiệm của các bên liên quan để giảm nhẹ gánh nặng cho mô hình 3T.
Chẳng hạn khi có một số sự cố xảy ra có thể người lao động muốn về nhà thì DN gặp khó khăn vì một số địa phương ban hành văn bản gần như răn đe DN, có thể hình sự hóa nếu DN cho người lao động rời khỏi vị trí sản xuất với mô hình 3T.
Tuy nhiên khi người lao động đã quyết DN không thể ngăn lại nếu ngăn lại được họ ở lại với tâm lí bất an, không làm việc được.
“Hiện nay nhiều người lao động được trở về quê không biết khi nào họ trở lại và với điều kiện gì, hỗ trợ ra sao… DN cực kỳ quan tâm là thành phố cần cải tiến, đưa ra các chính sách phù hợp đồng bộ với các tỉnh thành để đảm bảo sản xuất kinh doanh được thuận lợi”, ông Duy trăn trở.
Theo ông Việt, Hội mong muốn thành phố có chủ trương để DN tự tổ chức chịu trách nhiệm đưa người lao động về quê để sau này DN có nguồn lao động quay lại chứ không sẽ rất khó khăn.
Bên cạnh đó, DN hoạt động theo 3T dù quản lí nghiêm ngặt nhưng vẫn không tránh khỏi có F0. Tuy nhiên DN còn lúng túng khi xử lí nên đề nghị ngành y tế cần có cần có hướng dẫn cụ thể hơn.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị HUBA tổng hợp các ý kiến đề xuất, kiến nghị trên.
Liên quan đến sản xuất an toàn, ông Mãi cho rằng không nên gò bó ở hai phương thức "3T, một cung đường hai điểm đến".
Nếu từng DN, loại hình DN có phương thức sản xuất đảm bảo an toàn thì có thể đề xuất. Theo đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố sẽ chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận huyện, ngành chức năng thẩm định vận hành theo phương thức đó.
“Thành phố không đặt ra những quy định để làm khó DN. Bây giờ DN và cơ quan chức năng cùng ngồi lại với nhau tính toán kế hoạch, giải pháp an toàn cho từng DN, từng ngành hàng, cả cộng đồng DN.
Chúng ta không gò bó vào 3T hay một cung đường hai điểm đến mà có những phương thức dựa trên những nguyên tắc thật sự giảm tiếp xúc, giảm lây nhiễm và chăm lo đời sống sức khỏe vật chất tinh thần cho công nhân”, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.
Ông cũng cho hay, về lâu dài thành phố đang đề nghị ngành xây dựng cũng như một số ngành liên quan nghiên cứu mô hình nhà ở cho công nhân của Singapore đã làm; nghiên cứu để có những khu ở dã chiến nhưng đảm bảo điều kiện cơ bản cho sinh hoạt, điều kiện ăn ở vì đây là yếu tố quyết định cho sức khỏe, năng suất của công nhân. Thành phố bàn sẽ phối hợp cùng DN để triển khai trong thời gian tới.
“Chúng tôi mong DN tiếp tục phối hợp góp ý cùng thành phố triển khai các biện pháp để làm sao không bị đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng, đảm bảo sự phát triển cao nhất cho cộng đồng DN thành phố”, ông Mãi nhấn mạnh.