Mùa báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 của các doanh nghiệp niêm yết đã gần kết thúc, trong đó hầu hết các ngân hàng thương mại đã công bố cáo tài chính với những con số về doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng rất cao.
SHB có mức lợi nhuận trước thuế tăng hơn 86% so với cùng kỳ
Nằm ở nhóm ngân hàng quy mô vừa, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết đã đạt lợi nhuận trước thuế 2.424 tỉ đồng, trong 6 tháng đầu năm, tương đương 60,6% kế hoạch cả năm. Ngân hàng tiếp tục tập trung thu hồi nợ xấu và xử lý tài sản tồn đọng với doanh số 6.612 tỉ đồng. Do đó, tỉ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,54%, giảm nhẹ so với đầu năm.
Mới đây, Sacombank đã bán xong toàn bộ hơn 81,5 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 4,33% vốn điều lệ) theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận cổ phiếu lẻ, thu về hơn 2.438 tỉ đồng, và ghi nhận mức thặng dư vốn 1.684 tỉ đồng cho quý III/2021.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng vừa công bố lợi nhuận trước thuế lũy kế trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 1.073 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần cùng kỳ, hoàn thành khoảng 70% kế hoạch lợi nhuận được ngân hàng đặt ra từ đầu năm.
Lý giải về mức lợi nhuận tăng mạnh, Nam A Bank cho biết chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng đáng kể trong quý II do ngân hàng đẩy mạnh cho vay khách hàng. Đồng thời, ngân hàng đã giảm lãi suất huy động từ năm 2020 đến nay góp phần làm chi phí lãi và các chi phí tương tự tăng thấp. Các mảng kinh doanh khác của ngân hàng đạt kết quả tích cực.
Một ngân hàng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với kết quả kinh doanh khả quan khác là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, SHB đạt 3.095 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 86,5% so với cùng kỳ, hoàn thành hơn 50% so với kế hoạch cả năm.
Theo SHB, có được kết quả này là do ngân hàng đạt tăng trưởng ở hầu hết chỉ tiêu kinh doanh, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng… Dù vậy, tỉ lệ nợ xấu hợp nhất của ngân hàng ở mức 2%, tăng lên so với năm ngoái do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 tại hai quốc gia Lào và Campuchia, ảnh hưởng đến việc phân loại nợ của hai ngân hàng con của SHB tại các quốc gia này.
Vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2021, SHB tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, lên tới 2.258 tỉ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2020, đồng thời đẩy mạnh công tác xử lý nợ Vinashin và trái phiếu VAMC.
SHB cho biết đang đề ra mục tiêu thách thức hơn là có thể xử lý dứt điểm nợ bán cho VAMC và nợ của Vinashin ngay trong năm 2021, thay vì kéo dài qua năm 2022 như kế hoạch trước đó. Nếu hoàn thành mục tiêu này sẽ tạo tiền đề cho sự bùng nổ mạnh mẽ trong kết quả kinh doanh cho các năm tiếp theo.
Ở nhóm ngân hàng tốp đầu, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết trong 6 tháng đầu năm, các hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng đạt kết quả đáng ghi nhận với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt tới 10.805 tỉ đồng. Đến cuối quý II/2021, VietinBank đã được phê duyệt tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỉ đồng lên 48.058 tỉ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại các năm 2017 - 2019, tạo tiền đề nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng trong thời gian tới.
Để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến 30-6-2021, VietinBank đã hỗ trợ cho vay mới khoảng 590.000 tỉ đồng, hạ lãi suất cho gần 7.500 khách hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, dư nợ đang được miễn giảm lãi suất là 260.000 tỉ đồng. Tổng số tiền lãi thực đã hạ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng từ thời điểm dịch bệnh bùng phát đến nay là gần 4.000 tỉ đồng.