Người dân đến tiêm vắc xin tại điểm tiêm Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận 11 sáng 2-8 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tuổi Trẻ Online trao đổi với ông Trần Phi Long - chủ tịch UBND quận 11 - về cách triển khai tiêm vắc xin trên địa bàn quận.
* Hiện tại việc tổ chức tiêm vắc xin trên địa bàn quận được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Ông Trần Phi Long: Trước khi thực hiện tiêm, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, số lượng người dân cần tiêm cho từng đợt. Đồng thời quận cũng họp phân công nhiệm vụ cho chủ tịch quận, các phó chủ tịch, các trưởng phòng, ban trực tiếp phụ trách các điểm tiêm để việc tiêm phòng diễn ra nhanh chóng.
Việc các lãnh đạo quận, phòng ban phụ trách trực tiếp các điểm sẽ tạo sự linh động khi xử lý các tình huống. Qua kinh nghiệm tại nhiều điểm tiêm "giao khoán" cho lực lượng y tế, việc tổ chức đôi lúc còn nhiều vướng mắc, gặp khó khăn do các y bác sĩ sẽ giỏi về chuyên môn nhưng khâu điều phối họ sẽ không chuyên.
Hiện quận có 34 điểm tiêm gồm 16 điểm cố định đặt tại các trạm y tế phường, 18 điểm lưu động, các khâu tổ chức đều phối hợp nhịp nhàng. Chúng tôi nhắn tin trực tiếp để mời người dân đến tiêm, ai có tin nhắn sẽ tiêm, ai không thì thôi để tránh người dân rủ nhau đi gây ùn ứ, vi phạm giãn cách.
Ông Trần Phi Long, chủ tịch UBND quận 11, hỏi thăm người dân tại điểm tiêm Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng sáng 2-8 - Ảnh: DUYÊN PHAN
* Quận đã lược bớt những khâu nào để việc tiêm phòng diễn ra nhanh chóng?
- Để thời gian mỗi cá nhân đến tiêm phòng ngắn hơn, quận đã lược bỏ bớt khâu khai báo y tế tại điểm tiêm. Người dân sẽ tự khai báo y tế ở nhà, khi đến điểm tiêm các nhân viên chỉ kiểm tra rồi cho người dân vào tiêm. Việc này giảm bớt 10-15 phút/một người.
Sau khi tiêm, người dân được theo dõi 30 phút theo quy định, tuy nhiên nếu ai ổn định sẽ cho về sớm hơn để giảm tải cho điểm tiêm.
Chúng tôi tổ chức tiêm cho người dân từ thứ hai đến thứ bảy, chủ nhật cho anh em nghỉ để hồi lại sức khỏe, qua tuần mới vận hành trơn tru hơn. Thời gian tiêm kéo dài từ 7h đến 19h mỗi ngày, người dân dùng các tin nhắn báo tiêm để qua lại các chốt kiểm soát.
* Quận đã tăng cường nhân lực trong tiêm phòng như thế nào và việc tổ chức tiêm có những khó khăn gì?
- Để việc tiêm phòng diễn ra nhanh chóng, quận vận động các cán bộ y tế về hưu, phòng khám đa khoa, phòng khám tư nhân để hỗ trợ quận trong việc tiêm phòng. Đội ngũ này rất nhiệt tình, hiện quận 11 có hơn 200 người là tình nguyện viên, y bác sĩ tự nguyện hỗ trợ ngoài đội ngũ y bác sĩ tại chỗ, chủ chốt của quận.
Bước đầu trong việc tổ chức tiêm chủng thì việc trích xuất, thu thập dữ liệu người dân sẽ hơi cực cho phường. Do phường phải đến từng hộ dân cho họ khai thông tin, khi có thông tin rồi sẽ đổ vào kho dữ liệu dùng chung. Sau công đoạn này, các việc còn lại sẽ thuận lợi hơn, thông qua công cụ mời, quận sẽ mời người dân đi tiêm.
Việc thu thập dữ liệu thường phải triển khai cả tuần trước khi tiêm mới kịp.
* Trong thời gian tới quận sẽ triển khai tiêm như thế nào theo kế hoạch thành phố đề ra?
- Trong giai đoạn tiêm rộng rãi cho người dân trên 18 tuổi sắp tới, chúng tôi sẽ tiêm tốc hành trong 15 ngày với số lượng 180.000 dân. Ngoài ra còn có 6 đội tiêm lưu động vào tiêm cho các khu phong tỏa, nhà có người lớn tuổi đi lại khó khăn.
Chúng tôi dùng xe bán tải chở dụng cụ, bác sĩ tới các khu phong tỏa chọn địa điểm rộng, gọi từng hộ dân ra tiêm, không tập trung. Hiện quận còn 182 điểm phong tỏa với khoảng 11.000 dân.
Quận 11 quan điểm giải pháp hữu hiệu nhất để thắng dịch COVID-19 là tiêm vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng. Do đó việc tiêm phòng sẽ được quận đặc biệt quan tâm trong giai đoạn này.
Quận chu đáo, nhanh chóng
Chị Hà Phối Ân, ngụ phường 11, dẫn người nhà trên 65 tuổi đi tiêm, cho biết sau khi quận đưa danh sách xuống phường, phường chuyển về tổ dân phố và báo liền cho người dân bất kể còn giờ làm việc hay không.
"Họ bằng mọi phương tiện liên hệ người nhà để báo giờ giấc tiêm. Qua hai lần đưa người nhà đi tiêm thì tôi thấy quận khá chu đáo. Họ còn chụp danh sách người nhà và lịch tiêm để tôi trình khi đi qua chốt chặn. Đến điểm tiêm thì các khâu diễn ra nhanh chóng, sau 20 phút thì người nhà mình đã được tiêm", chị Ân chia sẻ.
Còn bà Âu Tố Nữ, 84 tuổi, cho biết các con bà đều ở nước ngoài. Bà tự đi tiêm một mình tại điểm tiêm Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng. "Tôi thấy thủ tục nhanh chóng, tổ dân phố cũng hướng dẫn tôi rõ ràng, chi tiết. Đến điểm tiêm tôi được tư vấn nhanh không phải đợi lâu, do cao huyết áp chưa tiêm ngay được nên tôi còn ngồi đợi", bà Nữ nói.
Quận 11 đang tiếp tục tiêm cho đối tượng người trên 65 tuổi, từ ngày 2-8 sẽ tiêm đại trà cho người dân trên 18 tuổi - Ảnh: DUYÊN PHAN
TTO - Hôm 22-7, 15 nhóm ưu tiên tại TP.HCM bắt đầu được tiêm vắc xin, trong đó có những người trên 65 tuổi. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại một điểm tiêm ở quận Phú Nhuận, nhiều người già đã háo hức đi tiêm, trong đó có một cụ bà 102 tuổi.
Xem thêm: mth.79320312120801202-mch-pt-tahn-hnahn-91-divoc-nix-cav-meit-11-nauq-oas-iv/nv.ertiout