Ngân hàng lo giảm lợi nhuận
Những ngày qua, nhiều ngân hàng (NH) đã công bố giảm lãi suất (LS) cho vay theo yêu cầu của NH Nhà nước Việt Nam như: Vietcombank giảm LS cho vay 0,5-1%/năm đối với tất cả khách hàng; BIDV giảm LS cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn được giảm tối đa là 2%/năm; ACB giảm LS cho các khách hàng hiện hữu tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn… Hầu hết thời hạn áp dụng chính sách giảm LS cho vay là 31/12 năm nay và chủ yếu áp dụng cho khách hàng hiện hữu (trừ Vietcombank áp dụng cho tất cả khách hàng cũ và mới).
Nhiều doanh nghiệp phản ánh dù lãi suất cho vay giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay rất khó - Ảnh: Linh Linh |
Tại cuộc họp của Hiệp hội NH mới đây, đại diện LienVietPostBank cho biết, nếu giảm LS bình quân 1%/năm thì lợi nhuận của NH này giảm khoảng 600 tỷ đồng; Sacombank giảm 1% trong vòng 5-6 tháng sẽ làm giảm lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng (40% lợi nhuận kế hoạch năm 2021); BIDV giảm LS 1%, lợi nhuận 2021 sẽ giảm hàng ngàn tỷ đồng… Còn theo tính toán chung của chuyên gia NH Cấn Văn Lực, nếu phải giảm 1% LS với tổng dư nợ hiện hữu của nền kinh tế (khoảng 9,6 triệu tỷ đồng), lợi nhuận của các NH có thể giảm khoảng 96.000 tỷ đồng, tương đương với 1/2 lợi nhuận của toàn ngành năm 2020. Dù đây chỉ là con số tính toán sơ bộ của ông Lực nhưng cũng cho thấy việc giảm thêm LS hay kéo dài thời gian giảm LS là điều rất khó.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc các NH giảm LS cho vay là tốt đối với các doanh nghiệp (DN) bởi trong bối cảnh hiện nay, giảm chi phí được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Hiện nhiều DN phản ánh dù LS giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay ưu đãi rất khó do điều kiện vay cao. Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, việc nới điều kiện cho vay đối với DN là rất khó bởi sẽ tạo rủi ro lớn cho NH, nợ xấu sẽ tăng lên và các NH không thể hoạt động được một cách an toàn.
Đề xuất lập tổ hợp tín dụng
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Nguyễn Trí Hiếu nhắc lại đề xuất ông vừa đưa ra cách đây mấy hôm trong sự kiện công bố báo cáo kinh tế quý II của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), đó là tạo ra một tổ hợp tín dụng 300.000 tỷ đồng hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết, đó là cách mà Mỹ, Đức và một số nước khác thực hiện rất hiệu quả. Theo đó, tất cả các NH hoạt động tại Việt Nam phải tham gia góp vốn vào tổ hợp này, tỷ lệ tham gia là khoảng 3% dư nợ của mỗi NH, tổng vốn của tổ hợp vào khoảng 300.000 tỷ đồng. Vốn từ đó sẽ cho các DN vay với thời hạn trong vòng năm năm, LS ưu đãi từ 3-5%/năm. Nguồn tiền huy động sẽ được các NH lấy từ tiền gửi không kỳ hạn, các tài khoản vãng lai không trả lãi hoặc phải trả lãi rất thấp. Các DN, cá nhân vay kinh doanh được ân hạn nợ gốc năm đầu (trong năm đầu chỉ trả lãi) vì dịch bệnh vẫn tác động tới DN ít nhất thêm một năm nữa, sau đó nợ gốc và lãi được trả dần từ năm thứ hai.
Tổ hợp sẽ xét cho vay tín chấp bởi nhiều DN, hộ kinh doanh thậm chí không còn tài sản nữa do thua lỗ. Và do cho vay tín chấp có rủi ro cao để an toàn cho các NH, tổ hợp tín dụng này phải liên kết với quỹ bảo lãnh tín dụng tầm quốc gia. Từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-CP yêu cầu các địa phương phải xây dựng quỹ bảo lãnh tín dụng với quy mô vốn khoảng 100 tỷ đồng/quỹ. Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng quy mô quỹ như vậy là quá nhỏ. Quỹ bảo lãnh ở đây phải là quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, quy mô vốn phải lên tới 30.000 tỷ đồng, lấy từ ngân sách nhà nước, cho phép quỹ bảo lãnh mười lần trên số vốn tự có (là 300.000 tỷ đồng). “Chỉ có cách đó chúng ta mới giúp được các DN vượt qua khó khăn rất lớn hiện nay”, ông Hiếu nói.
Tiếp cận vốn lãi suất thấp khó quá Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism) cho biết các DN du lịch chịu tác động của dịch bệnh nặng nề nhất, kể từ khi dịch bùng phát hồi đầu năm 2020 đến nay. Mọi hoạt động dừng lại, DN du lịch thoi thóp duy trì hoạt động. Dưới cái nhìn của NH, DN du lịch có rủi ro rất cao, gần như không thể thấy tương lai trừ khi dịch bệnh được khống chế, du lịch mở cửa trở lại. Do vậy việc nỗ lực tiếp cận vốn NH LS ưu đãi của Hanoi Tourism đến nay vẫn không có kết quả. “NH chỉ cho vay vốn lưu động và kinh doanh chứ không cho DN vay để trả chi phí cơ bản duy trì kể cả có tài sản thế chấp. Vì vậy dù NH có chính sách giảm lãi nhưng vẫn không có ý nghĩa nào với DN chúng tôi”, bà Ngần nói. Bà cũng cho biết Hanoi Tourism đã cố tiếp cận với chính sách cho DN vay LS 0% để trả lương cho nhân viên, người lao động năm 2020 nhưng cũng không có kết quả do NH cho biết “chưa có hướng dẫn”, hoặc hồ sơ DN gửi đi nhưng không có phản hồi. Năm nay, Chính phủ tiếp tục triển khai gói hỗ trợ tương tự nhưng bà Ngần cho biết thực sự bà không kỳ vọng nhiều. |
Cao Phú Hào
Xem thêm: lmth.4212441a-meht-maig-eht-oc-ohk-yav-ohc-taus-ial/nv.moc.enilnounuhp.www