Đông Vũ, một nhà đầu tư tay ngang bất động sản, 28 tuổi, đến từ Hà Nội hiện sở hữu căn chung cư 4 tỷ đồng, 2 chiếc xe mercedes cùng một số tài sản bất động sản khác. Nhà đầu tư này tiết lộ, khoản tiền sinh lời lớn từ thời điểm bén duyên vào lĩnh vực địa ốc đến hiện tại là nhờ những thương vụ góp vốn chung cùng bạn bè.
Đông Vũ xác định, với sinh viên mới ra trường, tiền vốn mỏng thì khả năng đầu tư mảnh đất lớn, vị trí đẹp là điều không dễ dàng. Trong khi đó, tỷ suất sinh lời cao luôn nằm trong hạng mục danh sách những quỹ đất có tầm tiền khoảng 1 tỷ đồng, vị trí đẹp.
Thay vì sử dụng toàn bộ bằng đòn bẩy tài chính hoặc vay vốn từ người thân, đặt cược toàn bộ tài sản vào 1-2 sản phẩm bất động sản, nhà đầu tư "tay ngang" này lựa chọn hùn vốn chung cùng bạn bè. Một số mảnh đất, Đông Vũ chỉ góp vốn 300 triệu đồng.
Nhà đầu tư này kể, có thời điểm, đội nhóm của anh buổi sáng cọc một lô đất dự án, chiều tối đã có người trả chênh tới hơn 100 triệu đồng. Vũ cũng cho biết, việc góp vốn với các bạn bè giúp anh tiết kiệm thời gian tìm hiểu, đỡ áp lực nặng về vốn và giảm rủi ro.
Những nhà đầu tư bất động sản chuộng hình thức kinh doanh góp vốn, để hạn chế rủi ro.
Là một nhà đầu tư "máu mặt" trên thương trường, sở hữu hàng chục bất động sản từ Bắc vào Nam, lãnh đạo doanh nghiệp môi giới địa ốc nhưng anh Trần L. vẫn chuộng hình thức chung vốn đầu tư với nhiều người. Hiện anh L. cũng đang là người đứng đầu của một quỹ đầu tư bất động sản tự phát giữa những người đam mê kinh doanh địa ốc.
Lý giải về việc "ưa chuộng" hình thức đầu tư bất động sản góp vốn với nhiều người, anh Trần L. nhận định: "Bỏ trứng vào một giỏ sẽ rủi ro nhiều hơn so với bỏ trứng vào nhiều giỏ. Một nhà đầu tư khôn ngoan sẽ không bao giờ dành toàn bộ số tiền đang có vào một giỏ. Hơn nữa, đầu tư theo nhóm sẽ giúp cho người tham gia kiếm lời tốt, tiết kiệm thời gian".
Phân tích sâu hơn về lợi thế của đầu tư theo hội nhóm, anh L. nói: "Một, họ có thể giảm rủi ro nhờ vốn góp ít. Hai, với nhiều cái đầu kinh doanh lão luyện sẽ góp phần đưa ra sự lựa chọn cho một sản phẩm tốt thay vì một cái đầu dễ cảm tính. Ba, khi bán hàng, những nhà đầu tư chung vốn sẽ cùng nghĩ ra cách bán tốt hơn, nhanh hơn.
Đặc biệt, mỗi một nhà đầu tư lại có cách kinh doanh, lựa chọn sản phẩm riêng biệt. Đầu tư chung không chỉ giúp phát huy thế mạnh của từng người mà còn giúp bản thân nhà đầu tư học hỏi được rất nhiều điều về cách thức, chiêu trò của đối tác" – anh L. chia sẻ.
Cũng như anh L, anh K.T (nhà đầu tư đến từ Hà Nội) dày dặn nhiều năm trên thương trường nhưng với anh, góp vốn đầu tư bất động sản là cách an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
"Tôi không đầu tư theo hội nhóm cố định. Nếu ai rủ, thấy hợp lý, tôi góp vốn tham gia. Tất nhiên, việc đầu tư như vậy phải dựa trên tiêu chí chung như họ là người bạn tin tưởng, có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, chứ không thể ai cũng cùng chung vốn"
Theo anh T., hầu hết những nhà đầu tư đã có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực bất động sản đều thích kinh doanh theo kiểu góp vốn. "Khi đã làm lĩnh vực bất động sản, bạn bè họ cũng đa phần làm bất động sản. Vì đều là những người làm ăn nên dễ tìm được sự tương đồng trong cách đầu tư, lựa chọn sản phẩm hay bán sản phẩm.
Tôi ví dụ, tôi có đội nhóm nhà đầu tư người bạn rất rành về đất dự án. Có người lại chuyên về chung cư.
Mỗi người 1 phân khúc lại có mối quan hệ và cơ hội đầu tư khác nhau. Đôi lúc, nhiều hàng đẹp, họ không thể tự tay ôm hết nên muốn rủ nhiều người cùng tham gia, chia sẻ lợi nhuận. Đó là lý do mà những người càng làm ăn lâu năm trong lĩnh vực bất động sản, càng thích đầu tư theo hội nhóm".
Nhắc đến hình thức kinh doanh này, nhà đầu tư T còn nhấn mạnh lại câu nói: "Muốn đi nhanh hãy đi một mình muốn đi xa hãy đi cùng nhau".
Hải Nam
Nhịp sống doanh nghiệp