vĐồng tin tức tài chính 365

Giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh (*): Không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm

2021-08-04 08:42

Rất nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN ngành lương thực thực phẩm, đã phải cầm cự kinh doanh không có lợi nhuận dù hầu hết các chi phí đầu vào đều tăng cao, nhất là giá nguyên liệu đầu vào của ngành từ nội địa đến nhập khẩu để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, cũng là chung tay góp phần ổn định thị trường trong lúc cả nước cùng chống dịch.

Giữ giá, ưu tiên hàng cho thị trường nội địa

Bà Phạm Thị Huân (Ba Huân), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân, cho biết từ đầu tháng 6, các DN bình ổn trứng gia cầm đã đề xuất thành phố cho tăng giá bán vì chi phí đầu vào tăng quá cao, giá sản phẩm cùng loại trên thị trường tăng trên 10%. Đến ngày 16-7, các DN mới được duyệt tăng giá trứng gà, vịt thêm 2.000 đồng/chục nhưng tính ra vẫn còn rất thấp so với mức giá tăng đột biến trên thị trường. Ngày 19-7, các sở, ngành thành phố thông báo DN có thể điều chỉnh giá trứng bình ổn thị trường tăng thêm 2.000 đồng/chục nhưng tất cả đều tự nguyện không tăng giá. "Nếu tăng 2.000 đồng/chục, với 1 triệu trứng cung cấp cho thị trường mỗi ngày, Ba Huân sẽ thu về được 200 triệu đồng nhưng chúng tôi chọn từ chối. Lý do là nếu Ba Huân cùng các DN bình ổn thị trường tăng giá thì thị trường bên ngoài cũng sẽ "té nước theo mưa", thậm chí tăng cao hơn mức này và người tiêu dùng sẽ chịu thiệt" - bà Huân giải thích và cho biết thêm.

Giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh (*): Không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm - Ảnh 1.

Công nhân đang làm việc tại nhà máy giết mổ gà là đối tượng cần được ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để duy trì chuỗi cung ứng thực phẩm Ảnh: AN NA

Bà Huân cho rằng lựa chọn này là cách DN đóng góp cho cộng đồng, đồng hành với thành phố và người dân trong giai đoạn khó khăn chung. "Mới sáng 3-8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến gọi điện thoại thông báo giá trứng gà tại thị trường Hà Nội đang tăng "nóng và đề nghị Ba Huân tham gia bình ổn. Tôi cam kết cung ứng cho Hà Nội mỗi ngày khoảng 200.000 trứng với giá 30.000 đồng/chục. Ngay sau thông tin này, chỉ trong vòng vài giờ, giá trứng ở Hà Nội đã giảm từ 46.000 đồng/chục xuống còn 36.000 đồng/chục. Thị trường Hà Nội không thiếu trứng mà do các đầu nậu gom hàng, làm giá nên khi có tin DN sẵn sàng cung ứng số lượng lớn với giá hợp lý thì thị trường lập tức hạ nhiệt" - bà Huân thông tin thêm.

Nhóm sản phẩm làm từ bột mì, bột gạo (mì gói, hủ tiếu ăn liền, phở ăn liền, mì trứng, nui…) cũng thuộc danh sách hút hàng trong giãn cách xã hội. Bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch HĐQT Công ty Vifon, cho hay dù rất nhiều đơn hàng xuất khẩu đã ký từ đầu năm cần phải thực hiện đúng tiến độ nhưng công ty đã chủ động đàm phán với khách hàng để kéo giãn tiến độ xuất hàng, ưu tiên sản phẩm cho thị trường nội địa. Vifon còn tính phương án đưa sản xuất xuất khẩu (bao bì nhãn mác tiếng Anh) "chữa cháy" cho thị trường nội địa, xin được làm nhãn phụ bằng tiếng Việt để hợp thức hóa sản phẩm tạm thời trong giai đoạn này.

Tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp

Cũng lo ngại chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất lương thực, thực phẩm sẽ bị đứt gãy, trong khi đến 70%-80% nguyên phụ liệu dùng cho ngành này đến từ các tỉnh, thành miền Đông và Tây Nam Bộ, tại buổi làm việc với UBND TP HCM sáng 3-8, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm thành phố, đề xuất tính toán và cần sớm xúc tiến việc hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa chính quyền thành phố với chính quyền các tỉnh có vùng nguyên liệu lớn mà hiện nay đang kiểm soát dịch tốt như Lâm Đồng, Bình Phước, Cà Mau… để đi đến thống nhất đưa ra các cam kết chung, cùng triển khai hành động. Trong đó, thành phố sẽ đề xuất nhu cầu thị trường cần, các phương án bao tiêu đầu ra và đề nghị các tỉnh cam kết mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng của vùng nguyên liệu theo từng thế mạnh của địa phương. Đồng thời, TP HCM với vai trò là hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần đề nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT có văn bản chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ yêu cầu các địa phương phải đặt sản xuất nông nghiệp là hoạt động thiết yếu, cần được ưu tiên, tạo mọi điều kiện phát triển trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp và kéo dài để không bị đứt gãy nguồn cung trong thời gian tới do một số nơi chưa đánh giá đúng mức độ của hoạt động này. Bởi, nếu cứ để nông dân trồng ra phải bỏ vì không tiêu thụ được như thời gian qua, nguy cơ ngưng sản xuất sẽ khiến mùa vụ chậm trễ, ảnh hưởng nguồn cung nông sản và nguyên liệu sau dịch.

Cũng trong ngày 3-8, tại cuộc họp trực tuyến với 2 tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản phía Bắc và phía Nam của Bộ NN-PTNT, Thứ tưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh cần bảo đảm nguồn giống cây trồng vật nuôi để khôi phục sản xuất sau dịch. "Cần nhìn vào bài học của dịch tả heo châu Phi, khi dịch được kiểm soát thì thiếu con giống, giá đắt đỏ. Trong thời gian giãn cách, đã có tình trạng tôm giống chuyển từ miền Trung vào ĐBSCL bị ách tắc phải xả bỏ. Ở Tây Ninh đã có chuyện hủy con giống gà, trứng gà giống chuyển thành trứng thực phẩm. Các cơ quan chuyên môn về trồng trọt, chăn nuôi phải hết sức lưu ý để bảo vệ nguồn giống để khi nông dân tái sản xuất có thể mua được giống với giá bình ổn. Việc này cần chuẩn bị ngay từ bây giờ, không lúc thị trường có nhu cầu thì sản xuất không chạy theo kịp" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan lưu ý công tác kết nối cung cầu vai trò của cơ quan nhà nước là giới thiệu, cung cấp thông tin, tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh, không áp đặt. "Về giá cả, chúng ta không thể can thiệp nhưng có thể hỗ trợ giúp vật tư nông nghiệp, nông sản lưu thông thông suốt thì giá cả sẽ không bị đội. Trong dịch bệnh cũng thấy rõ vai trò của các chuỗi nông sản so với sản xuất riêng lẻ cần phải phát huy. Hậu dịch bệnh cũng là cơ sở để phát triển chiến lược nông sản cho thị trường nội địa. Để vận hành chuỗi giá trị ngành hàng, không thể thiếu vai trò của hiệp hội. Dịp này, chúng ta nên xúc tiến thành lập hiệp hội ngành hàng lúa gạo, ngành hàng trái cây để đại diện giải quyết các vấn đề của ngành, tương tự cách làm của ngành thủy sản, gỗ đang làm" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý. 

Cần chính sách thu mua lúa gạo

Ngày 3-8, Thứ trưởng Trần Thanh Nam có văn bản gửi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ tại TP HCM, đề nghị xử lý, giải quyết ngay những vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng chống dịch Covid-19 để duy trì, ổn định sản xuất nông nghiệp. Trong đó, kiến nghị đầu tiên là tạo điều kiện ưu tiên vắc-xin phòng Covid-19 cho lực lượng công nhân tại các nhà máy chế biến thủy sản, chăn nuôi, giết mổ đang thực hiện "3 tại chỗ"; kiến nghị hỗ trợ giá điện cho các DN sản xuất, chế biến nông thủy sản để bảo quản lạnh sản phẩm; kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ lãi suất vay để DN thu mua nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho hay các địa phương đang bước vào thời kỳ thu hoạch 1 triệu ha lúa hè thu, sản lượng khoảng 5,5 triệu tấn lúa nhưng giá lúa đang xuống thấp. Do đó, Bộ NN-PTNT kiến nghị với Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ triển khai chương trình thu mua, dự trữ lúa gạo quốc gia để bảo đảm an ninh lương thực, giảm áp lực thị trường và giúp ổn định thị trường lúa gạo khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các tỉnh sản xuất lúa trọng điểm ĐBSCL.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-8

Xem thêm: mth.57614622230801202-mahp-cuht-nas-gnon-gnu-gnuc-iouhc-yag-tud-ed-gnohk-hnaod-hnik-taux-nas-cuhp-iohk-peihgn-hnaod-puig/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh (*): Không để đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools