Tháng 7, khối ngoại bán ròng tổng cộng 10,6 tỷ USD cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ. Con số này của tháng 6 chỉ là 725 triệu USD.
“Dòng vốn ngoại rời khỏi thị trường chứng khoán châu Á có thể do tình hình đại dịch Covid-19 tại khu vực ngày càng xấu cùng với việc Fed nghiêng về thắt chặt chính sách hơn sau cuộc họp hồi tháng 6”, Margaret Yang, chiến lược gia tại DailyFX, nói.
Xu hướng bán gia tăng sau khi Bắc Kinh siết quản lý với lĩnh vực giáo dục, nối tiếp động thái tương tự với lĩnh vực công nghệ hồi đầu năm.
Khối ngoại bán ròng cổ phiếu châu Á trong tháng 7. Ảnh: Reuters.
Manishi Raychaudhuri, chiến lược gia cổ phiếu châu Á – Thái Bình Dương tại BNP Paribas, cho rằng những thay đổi nhanh chóng trong cách quản lý của Trung Quốc đến các lĩnh vực như thương mại điện tử, giao thực phẩm và giáo dục đang ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư vào Hong Kong và châu Á, dẫn đến dòng vốn thoát khỏi châu Á.
Thị trường Đài Loan và Hàn Quốc bị bán ròng mạnh nhất, đều hơn 4 tỷ USD. Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng trong tháng 7, chủ yếu do biến chủng Delta.
Thị trường Ấn Độ, Thái Lan và Philippines lần lượt bị bán ròng 1,51 tỷ USD, 544 triệu USD và 183 triệu USD.
Việt Nam và Indonesia ở chiều ngược lại. Khối ngoại mua ròng 231 triệu USD cổ phiếu Việt Nam còn thị trường Indonesia cũng đón nhận dòng vốn nhỏ.
Cổ phiếu châu Á gần đây phục hồi phần nào nhờ sự lạc quan về lợi nhuận và tiến triển liên quan dự luật chi cơ sở hạ tầng tại Mỹ.
“Dòng vốn ngoại có thể quay trở lại thị trường châu Á bởi nhà đầu tư thế giới sẽ sẵn lòng gia tăng khẩu vị rủi ro với dự luật chi cơ sở hạ tầng của Mỹ”, theo Jun Rong Yeap, chiến lược gia thị trường của IG, Singapore. “Các dự luật chi cơ sở hạ tầng được thông qua thường giúp thị trường diễn biến tích cực”.
Xem thêm: nhc.10223720140801202-a-uahc-ueihp-oc-gnor-nab-iaogn-iohk-91-divoc-os-ol/nv.fefac