Mặt bằng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3 (TP.HCM) đóng cửa vì dịch, ảnh chụp ngày 4-8 - Ảnh: NG.PHƯỢNG
Nhiều chuyên gia đã khuyến nghị như vậy khi đề cập đến dự thảo nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân chịu tác động của dịch Covid-19, đang được Bộ Tài chính xây dựng.
Theo các chuyên gia, rất ít DN có doanh thu dưới 200 tỉ đồng được hưởng chính sách giảm 30% thuế thu nhập DN như đề xuất của Bộ Tài chính bởi phần lớn DN này đều làm ăn thua lỗ do dịch kéo dài. Trong khi đó, nhiều hộ kinh doanh phải đóng cửa theo yêu cầu để phòng chống dịch nhưng chỉ giảm 50% là chưa hợp lý...
Sao không giảm thuế VAT cho hàng thiết yếu?
Chị Nguyễn Thị Huyền - giáo viên một trường mầm non tư thục ở Hà Nội - cho biết do dịch COVID-19 mà từ năm 2020 trường học phải đóng cửa đến 4 lần.
Để có tiền trang trải, chị đã xin làm nhân viên bán hàng cho công ty kinh doanh điện thoại, máy tính. Từ tháng 7-2021, Hà Nội giãn cách xã hội để phòng chống dịch, cửa hàng này lại phải đóng cửa.
Mọi chi tiêu của gia đình từ tiền sữa cho hai con nhỏ đến mua gạo, thịt, trứng, rau, tiền điện, nước... chỉ trông chờ vào dạy tiếng Anh online của chồng chị với khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, Bộ Tài chính chỉ mới đề xuất hỗ trợ DN mà chưa có người dân, người tiêu dùng. "Nhà nước nên miễn, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) của những mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau, sữa... để hỗ trợ người dân" - chị Huyền đề xuất.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cũng cho rằng cần giảm mạnh thuế VAT, đặc biệt là với hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Vì dịch đã kéo dài 3-4 tháng, nhiều người lao động bị mất việc, giảm lương trong khi giá cả các loại hàng hóa lại tăng cao, mà người tiêu dùng còn phải gánh thêm thuế VAT 5-10% là điều quá sức.
"Cơ quan quản lý nên giảm mạnh thuế VAT để giúp người dân, đặc biệt người lao động nghèo, vơi đi gánh nặng. Như vậy vừa nuôi dưỡng nguồn thu vừa giúp cho DN, người nộp thuế cảm nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ cơ quan quản lý đối với họ trong bối cảnh khó khăn hiện nay" - ông Sơn khuyến nghị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết ngoài chính sách đang được đề xuất, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu đề xuất giảm tiền thuê đất để chia sẻ khó khăn với người dân và DN. Bởi dịch bệnh đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các tỉnh phía Nam đang phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch.
"Quan điểm đưa ra chính sách hỗ trợ lần này là tập trung vào những đối tượng bị thiệt hại nặng nề bởi dịch COVID-19. Dù ngân sách nhà nước có khó khăn nhưng vẫn cố gắng dành nguồn lực để chia sẻ, hỗ trợ, động viên DN, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh, đặc biệt là giúp DN sớm ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động" - ông Tuấn nói.
Cần các giải pháp kích cầu thị trường
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Bộ Tài chính nên xem xét miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, phí và lệ phí trước bạ để kích cầu thị trường. Số liệu của Tổng cục Thuế cũng cho thấy khi lệ phí trước bạ ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước được giảm 50% trong 6 tháng cuối năm 2020 thì số xe được tiêu mạnh.
Chẳng hạn, trong tháng 12-2020, số lượng ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước được tiêu thụ tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, số thu ngân sách từ các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ôtô tăng khoảng 11.200 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. "Như vậy, việc giảm thuế, phí và lệ phí để kích cầu không chỉ người dân mà cả DN và Nhà nước đều hưởng lợi" - một chuyên gia nói.
Tương tự, theo ông Nguyễn Đức Nghĩa - tổng giám đốc Công ty luật TNHH Việt Tín Nghĩa, nếu thuế suất thuế VAT giảm từ 10% về 7%, người dân sẽ được mua hàng hóa với giá rẻ hơn, góp phần kích thích tiêu dùng.
Ngoài ra, theo ông Nghĩa, nên miễn thuế quý 3 và quý 4 cho hộ kinh doanh ở những địa phương phải áp dụng chỉ thị 16, thay vì chỉ giảm 50% số thuế phải nộp như Bộ Tài chính đã đề xuất, do các hộ kinh doanh đều phải đóng cửa dài ngày vì dịch, nguồn thu không có.
"Dịch COVID-19 kéo dài, số DN làm ăn thua lỗ chiếm tỉ lệ rất lớn. Số DN này sẽ không được hưởng lợi gì từ chính sách giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2021 vì có thuế đâu mà giảm. Do vậy, cần thêm biện pháp hỗ trợ khác hướng đến số đông để đối tượng cần được hỗ trợ nhất là những DN gặp khó khăn có thể tiếp cận được" - ông Nghĩa nói.
TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - cho rằng Chính phủ xem xét bổ sung nguồn gói chính sách 26.000 tỉ đồng, thêm đối tượng được nhận hỗ trợ.
Bởi dịch COVID-19 có thể còn kéo dài, số người lao động bị thất nghiệp có thể sẽ tăng. "Nhiều người lao động có thể không có tiền mua thực phẩm, trả tiền điện, tiền nước... Do đó, nếu người lao động và hộ kinh doanh được hỗ trợ lúc này là nguồn động viên rất lớn" - ông Thịnh khẳng định.
Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI):
Tiêm vắc xin cho toàn dân là vô cùng quan trọng
Việc Chính phủ yêu cầu giảm tiền điện, nước sạch và cước viễn thông cho người dân và DN là rất đáng hoan nghênh. Đặc biệt, gói hỗ trợ về thuế để chia sẻ khó khăn với DN và hộ kinh doanh mà Bộ Tài chính đề xuất cho thấy nỗ lực của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh dư địa chính sách tài chính của VN hiện nay không quá lớn.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là mở cửa được thị trường, duy trì các hoạt động kinh tế. Do đó, việc tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19 cho toàn dân là vô cùng quan trọng.
Có "hộ chiếu vắc xin" cực kỳ quan trọng đối với người dân và DN, để mọi người dân có thể hoạt động trở lại bình thường trong bối cảnh vẫn còn dịch COVID-19. Khi đã có "hộ chiếu vắc xin", người lao động có thể đi tới nhà máy, xí nghiệp, công trường..., các dịch vụ kinh doanh có thể mở cửa trở lại. Đây cũng là gói hỗ trợ lớn nhất cho người dân và DN.
TTO - Bộ Tài chính cho biết nội dung dự thảo nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 đang được xây dựng sẽ có nội dung giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021.
Xem thêm: mth.47953208050801202-ihp-euht-gnan-hnag-maig-iahp/nv.ertiout