Người dân xếp hàng phía trước một chiếc "Busao da Vacina" (Xe buýt vắc xin), một dự án của Hội Chữ thập đỏ Brazil để tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân, ở Ouro Branco, Brazil ngày 19-7-2021 - Ảnh: REUTERS
Dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy tính tới ngày 4-8-2021, tổng số ca bệnh COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 200 triệu ca. Trong khi đó, tổng số ca tử vong là hơn 4,2 triệu và tổng số ca hồi phục đến nay là hơn 180 triệu ca.
Báo New York Times bình luận 200 triệu ca nhiễm này là con số "đáng sợ" và "gây sửng sốt", nhiều hơn dân số của Đức, Pháp và Tây Ban Nha cộng lại.
Trong đó, nước Mỹ đứng đầu với hơn 35,2 triệu ca nhiễm và 614.666 ca tử vong, lần lượt chiếm gần 18% tổng số ca nhiễm và gần 15% tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu.
Ấn Độ đứng thứ hai về tổng số ca nhiễm, với hơn 31,7 triệu ca. Đứng thứ ba là Brazil, với 19,9 triệu ca.
Các quốc gia khác có hơn 4 triệu ca nhiễm gồm Nga, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Colombia, Tây Ban Nha, Ý và Iran.
Những quốc gia có hơn 100.000 ca tử vong do COVID-19 gồm Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Peru, Nga, Anh, Ý, Colombia, Pháp, Argentina và Indonesia.
Tổng số ca nhiễm toàn cầu đã đạt mốc 100 triệu ca vào ngày 26-1-2021 sau khoảng một năm. Tuy nhiên, chỉ trong nửa đầu năm 2021, đã có thêm 100 triệu ca nhiễm.
Theo Hãng tin Reuters, từ đầu dịch đến nay, ít nhất 2,6% dân số thế giới đã mắc COVID-19. Tỉ lệ thật sự có thể còn cao hơn, do khả năng xét nghiệm hạn chế tại nhiều nơi trên thế giới.
TTO - Một nghiên cứu ngẫu nhiên với 2.547 bệnh nhân COVID-19 ở Thái Lan từ ngày 24-7 tới 30-7 cho thấy có 1.993 người (chiếm 78,2%) mắc biến thể Delta. Hiện nước này chưa phát hiện biến thể Lambda từ Nam Mỹ.