Mới đây, một trường hợp người dân ở huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) khiếu nại vì chưa được cấp đất tái định cư (TĐC) khi bị thu hồi đất. Lý do là trên đất không có công trình nhà ở, chủ đất không có hộ khẩu ở địa phương.
Trên thực tế, nhiều trường hợp Nhà nước thu hồi đất của người dân để phục vụ các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng… Về nguyên tắc, nếu người sử dụng đất (SDĐ) bị Nhà nước thu hồi đất có đủ điều kiện được bồi thường thì sẽ được bồi thường theo quy định của Luật Đất đai.
Sau khi nhiều hộ dân huyện Thủy Nguyên khiếu nại, cơ quan chức năng đã xem xét để tìm hướng giải quyết bổ sung suất TĐC. Ảnh: Đỗ Hoàng
Theo ThS Ngô Gia Hoàng, giảng viên Khoa luật thương mại ĐH Luật TP.HCM, việc xác định loại đất để bồi thường được xác định theo mục đích ghi trên giấy chứng nhận, các loại giấy tờ về quyền SDĐ hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất, không căn cứ vào hiện trạng SDĐ (trừ trường hợp không có các loại giấy tờ có ghi nhận mục đích SDĐ).
Ví dụ, nếu mục đích SDĐ ghi là “đất ở tại nông thôn” hoặc “đất ở tại đô thị” thì đó là đất ở, không phụ thuộc vào việc có hay không có nhà ở trên đất. Trường hợp trên đất có nhà ở hoặc công trình xây dựng được tạo lập hợp pháp, phù hợp với mục đích SDĐ và được tạo lập trước khi có quyết định thu hồi thì nhà ở, công trình đó được xem xét bồi thường về tài sản trên đất. Nói cách khác, việc phải có nhà trên đất hay có hộ khẩu tại địa phương không phải là căn cứ để xem xét bồi thường về đất.
Cách thức bồi thường về đất sẽ khác nhau tùy theo từng trường hợp. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi hết đất ở hoặc một phần đất ở nhưng phần diện tích còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định và họ không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn đó thì mới được bồi thường bằng nhà ở hoặc đất ở. Ngược lại, nếu hộ gia đình, cá nhân còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng tiền.
Số tiền bồi thường về đất tính theo giá đất cụ thể đối với đất ở do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Như vậy, nếu các hộ có đất ở bị thu hồi nhưng trên đất không có nhà ở, tức đất đó không phải là chỗ ở của họ, nghĩa là họ đã có chỗ ở ổn định ở nơi khác. Nếu đủ điều kiện được bồi thường về đất thì họ sẽ được bồi thường bằng tiền. Chỉ khi việc thu hồi đất ở khiến họ phải di chuyển chỗ ở thì mới được bố trí TĐC.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận đất ở, nhà ở TĐC mà tiền bồi thường, hỗ trợ không đủ để mua một suất TĐC tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để mua một suất TĐC tối thiểu. Tiền hỗ trợ bằng khoản chênh lệch giữa giá trị suất TĐC tối thiểu và số tiền được bồi thường về đất. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự lo chỗ ở thì ngoài việc được bồi thường về đất còn được nhận khoản tiền hỗ trợ TĐC.
Đối với hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác trong địa bàn thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền SDĐ. Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở; giá đất ở tính tiền SDĐ khi Nhà nước giao đất do UBND cấp tỉnh quy định.