Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: T.C.
Chiều 6-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập cuộc họp bất thường, cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo nghị quyết số 30 của Quốc hội khóa XV.
Tại cuộc họp, toàn bộ 17/17 thành viên tham dự phiên họp đều thống nhất với 4 nội dung là các giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch.
Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc dự thảo nghị quyết quy định "quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đồng thời là giấy phép hoạt động là khác với quy định điều 42 của Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Nhưng đề nghị bổ sung thời hạn hiệu lực của nội dung này đến hết năm 2022 và chỉ áp dụng trong trường hợp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo kịch bản ứng phó dịch và điều kiện thực tiễn tại mỗi địa phương.
Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của dự thảo nghị quyết của Chính phủ giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch là khác với quy định tại khoản 4 điều 14 và khoản 3 điều 147 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Quy định này để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch hiện nay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất đề nghị chỉ giới hạn phạm vi ban hành thủ tục hành chính ở các nội dung được nêu trong dự thảo nghị quyết.
Thứ ba, dự thảo nghị quyết quy định: "Việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19) do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế".
Nội dung này khác với quy định tại khoản 2 điều 48 và khoản 2 điều 60 của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần thực hiện theo hướng ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến dịch COVID-19.
Đối với bệnh nhân mắc COVID-19 có các bệnh nền khác (như tiểu đường, tim mạch, thận...) thì việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định Luật bảo hiểm y tế và các quy định của pháp luật khác có liên quan để bảo đảm khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước.
Thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định dự thảo nghị quyết về việc giao thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất là khác với quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và nghị quyết số 629 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc này nhằm bảo đảm phù hợp với bối cảnh rất nhiều địa phương đang phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt như hạn chế tập trung đông người, thực hiện giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tăng cường sự lãnh đạo, kiểm tra chặt chẽ của cấp ủy ở các địa phương trong quá trình thực hiện, tránh việc lạm dụng quy định này để quyết định các nội dung không thực sự cấp bách, không trực tiếp liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương.
Trước đó, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết chung, trong đó có nội dung về một số giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19 để sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái "bình thường mới".
Theo đó, Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đã thực hiện, quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách.
Đó là, quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.
Chính phủ, Thủ tướng được quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng chống dịch COVID-19.
Đơn cử như việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh và có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.
TTO - Quốc hội khóa XV quyết định đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ nhất một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo đề xuất của Chính phủ.
Xem thêm: mth.71464548160801202-91-divoc-hcid-gnohc-gnohp-hcab-pac-pahp-iaig-ev-teyuq-ihgn-oc-pas/nv.ertiout