Các ngân hàng châu Á bắt đầu ‘ngán’ nhiệt điện than
Chánh Tài
(KTSG Online) - Không chỉ các ngân hàng ở phương Tây mà nhiều ngân hàng châu Á khác cũng đang rút lui khỏi các chương trình tài trợ vốn vay đối với các dự án nhiệt điện than mới, một động thái có thể đẩy nhanh cuộc chuyển đổi sang các năng lượng sạch hơn.
Lo ngại rủi ro ở các dự án nhiệt điện than
Các ngân hàng châu Á đang cung cấp phần lớn nguồn vốn vay cho các dự án nhiệt điện than mới ở các nước đang phát triển sau khi phần lớn các ngân hàng ở châu Âu và Mỹ dừng ủng hộ các thỏa thuận cung cấp vốn vay cho các dự án này, do lo ngại vấn đề khí thải carbon.
Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức tài chính chủ chốt ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như một số ngân hàng ở Trung Quốc đã báo hiệu trong những tháng gần đây rằng, họ sẽ dừng hoặc làm hạn chế dòng tiền rót vào các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài khi chính phủ của họ nhận thấy chúng là khoản đầu tư ngày càng rủi ro.
Một nhà máy nhiệt điện than ở ngoại ô của thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Vào giữa tháng 7, Bộ Môi trường và Bộ Thương mại Trung Quốc khuyến cáo một số ngân hàng cho vay nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc không nên đầu tư vào các dự án nhiệt điện than. Hai bộ này đã ban hành các hướng dẫn đầu tư quốc tế để yêu cầu các ngân hàng cân nhắc các vấn đề liên quan khí hậu, chẳng hạn như giảm khí thải carbon khi thẩm định các dự án của họ.
Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã cảnh báo với giới lãnh đạo chính trị rằng, các nhà máy nhiệt điện than do các ngân hàng Trung Quốc tài trợ vốn vay ở nước ngoài có thể phải dừng hoạt động hoặc hủy bỏ trước khi kịp thu hồi chi phí đầu tư hoặc vốn vay và có thể khiến các ngân hàng của Trung Quốc gặp rủi ro về danh tiếng.
Tại một diễn đàn quốc tế hồi tháng 5, Zhou Yueqiu, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC), tiết lộ ICBC đang soạn thảo một lộ trình để dần thoát hoàn toàn khỏi hoạt động tài trợ vốn vay trong lĩnh vực than.
ICBC đã thông báo cho các nhà hoạt động môi trường rằng ngân hàng này đang rút lại cam kết tài trợ vốn vay cho 2 dự án nhiệt điện than có tổng vốn đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ ở Kenya và Zimbabwe.
Tại Nhật Bản, một số tổ chức tài chính lớn, vốn là nguồn tài trợ quan trọng cho các dự án nhiệt điện than ở các nước đang phát triển, cũng đang thay đổi chính sách.
Trước mối lo ngại môi trường từ các nhà hoạt động và đầu tư quốc tế, Ngân hàng MUFG và Cơ quan Hơp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã nói “không” với than trong các chính sách cho vay và phát hành trái phiếu của họ.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Tập đoàn Điện lực nhà nước Hàn Quốc (Kepco), cho biết sẽ dừng đầu tư vào các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài và sẽ loại bỏ hoặc chuyển sang sử dụng khí tự nhiên đối với 2 trong số 4 nhà máy nhiệt điện than mà tập đoàn này đang phát triển ở nước ngoài.
Động thái rút lui của các ngân hàng ở các nước giàu châu Á có thể buộc các nước nghèo hơn, vốn đang thiếu các nguồn tài chính riêng, phải gác lại các kế hoạch mở rộng ngành nhiệt điện than và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn như điện mặt trời và điện gió.
Trung Quốc, Ấn Độ không bị ảnh hưởng
Tuy nhiên, hầu hết các dự án nhiệt điện than ở Trung Quốc và Ấn Độ không bị ảnh hưởng. Cả hai quốc gia này đều có nguồn tài trợ lớn ở trong nước và có kế hoạch tiếp tục mở rộng các nhà máy đốt than của họ tại quê nhà.
Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm hơn 50% trong tổng công suất gần 480 GW của các nhà máy nhiệt điện than đang được xây dựng hoặc đang trong giai đoạn quy hoạch trên toàn thế giới, theo dữ liệu từ tổ chức Giám sát Năng lượng toàn cầu (GEM), có trụ sở ở San Francisco, Mỹ.
Hồi cuối tháng 7, tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường, Năng lượng và Khí hậu của nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) ở Naples (Ý), Trung Quốc cùng một số nước khác phản đối đề xuất loại bỏ dần việc sử dụng than để sản xuất điện. Trung Quốc cho rằng các nước đang phát triển phải được quyền tiếp tục sử dụng than vì loại nhiên liệu hóa thạch này tương đối rẻ, dồi dào và dễ vận chuyển.
Trung Quốc và Ấn Độ đang phát triển công suất điện than mới với tốc độ chậm hơn nhiều so với cách đây vài năm. Một số nhà phân tích cho rằng sức ép kinh tế và cộng đồng quốc tế có thể khiến tốc độ phát triển nhiệt điện than của họ chậm hơn nữa.
Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á chiếm gần 90% trong số các dự án nhiệt điện than mới được phê duyệt trên thế giới.
Tiêu thụ than vẫn sẽ duy trì trong một thời gian dài nữa. Các nước đang phát triển có một loạt nhà máy đốt than đang hoạt động và chúng sẽ tiếp tục sử dụng than trong những thập kỷ tới.
Sức ép của giới đầu tư gia tăng
Tuy vậy, có nhiều sức ép đang thúc đẩy các chính phủ cân nhắc lại những dự án nhiệt điện than đang trong giai đoạn phát triển trên khắp thế giới, với khoảng 35% trong số đó nằm ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, theo dữ liệu của GEM.
Giá điện mặt trời và các năng lượng tái tạo khác đang giảm nhanh, trong khi đó, chi phí vay vốn ở các dự án nhiệt điện than đang tăng lên. Bên cạnh đó, sức ép của giới đầu tư và cộng đồng quốc tế về việc hạn chế hỗ trợ tài chính cho ngành than đang gia tăng.
Tài chính công, bao gồm tiền cho vay từ các tổ chức cho vay như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và JICA cũng như các công ty nhà nước như Kepco là dòng vốn quan trọng cho các dự án nhiệt điện than ở các nước đang phát triển, chiếm đến 65% trong những năm gần đây, theo ước tính của IEA.
Hầu hết các ngân hàng thương mại ở châu Á không sẵn sàng cho vay đối với các dự án nhiệt điện than nếu như không có sự tham gia của các ngân hàng nhà nước.
Công ty quản lý tài sản Legal & General Investment Management (Anh), đang quản lý 1,8 ngàn tỉ đô la, đã bán cổ phần tại ICBC và Kepco vì không hài lòng với cách tiếp cận của các công ty đối với ngành nhiệt điện than .
Công ty Sumitomo Mitsui Trust Asset Management Co. của Nhật Bản, đang quản lý số tài sản trị giá 750 tỉ đô la, đã dẫn đầu nỗ lực gây sức ép với Kepco hồi năm ngoái về chính sách đối với than.
Kepco cho biết công ty này quyết định hạn chế tài trợ vốn vay cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài vì áp lực của giới đầu tư và chiến lược kinh doanh bền vững của riêng mình.
Trả lời phỏng vấn Wall Street Journal hồi tháng 3, Junichi Hanzawa, Giám đốc điều hành Ngân hàng MUFG, cho biết: “Chúng tôi đang lắng nghe giới đầu tư và các bên liên quan khi họ muốn chúng tôi siết chặt chính sách cho vay liên quan đến than”.
Hai tháng sau đó, Ngân hàng MUFG đã bịt một số lỗ hỏng trong một chính sách vào năm 2019 về việc dừng cung cấp vốn mới cho nhiều dự án nhiệt điện than và cam kết loại bỏ các khoản vay dành cho những doanh nghiệp phát thải carbon vào năm 2050.
Giờ đây, tất cả các ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản đều cam kết dừng tài trợ vốn vay cho các dự án nhiệt điện than. Các nhà đầu tư cũng đã thuyết phục JICA, tổ chức đã cho vay gần 5 tỉ đô la cho các dự án nhiệt điện than kể từ năm 2009, loại bỏ các dự án nhiệt điện than trong kế hoạch sử dụng nguồn tài chính thu được từ các đợt phát hành trái phiếu kể từ tháng 4.
Theo Wall Street Journal
Xem thêm: lmth.naht-neid-teihn-nagn-uad-tab-a-uahc-gnah-nagn-cac/012913/nv.semitnogiaseht.www