"Tại thời điểm giãn cách xã hội đến 15-8, ai có mặt tại thành phố mà gặp khó khăn sẽ được hỗ trợ. Ấp, khu phố là nơi xác định người được hỗ trợ" - ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, nói về gói hỗ trợ người dân đợt 2 khi nhiều người dân ở nhiều tỉnh, thành ở lại TP.HCM, để "ai ở đâu, ở yên đó" cùng cả nước chống dịch.
Đó là tin vui đối với hàng chục ngàn người khó khăn, trong đó có rất nhiều người không được nhận các gói hỗ trợ trước đó chỉ vì không có đăng ký tạm trú.
Trong đợt 2 này, họ - những người nghèo, cận nghèo, hộ lao động nghèo sống trong khu nhà trọ, khu cư trú công nhân, khu lao động nghèo, khu phong tỏa cũng được hưởng 1,5 triệu đồng như những lao động tự do đã được hỗ trợ trong đợt 1, chỉ khác là nguồn chi hỗ trợ, trong đó ngân sách TP chi 1 triệu đồng; còn lại từ vận động xã hội hóa của Ủy ban MTTQ TP.HCM.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết dự kiến có gần 91.000 hộ nghèo, cận nghèo và khoảng 170.000 hộ lao động nghèo hưởng chính sách này. Nhưng nếu số thực tế cao hơn, TP vẫn hỗ trợ.
Ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP, cũng nhấn mạnh UBND TP Thủ Đức và các quận huyện quyết định và chịu trách nhiệm rằng hộ đó được hỗ trợ hay không. TP thống nhất linh hoạt trong xử lý, linh hoạt trong xác định đối tượng, linh hoạt trong mức hỗ trợ, chỉ cần đảm bảo yêu cầu "một người, một hộ chỉ hưởng một chính sách hỗ trợ".
Như vậy, chủ trương của TP đã rõ. Người dân nào khó khăn đang có mặt ở TP tại thời điểm này sẽ được hỗ trợ, không giới hạn số lượng bao nhiêu người. Việc xác định hộ dân được nhận hỗ trợ hay không, TP giao cho các quận huyện quyết định và chịu trách nhiệm.
Chủ trương này được xem như tấm đệm đỡ đần bà con nghèo, cơ nhỡ trong dịch bệnh. Yêu cầu này đặt ra công bằng trong thực hiện chính sách và nơi thiết lập công bằng đó chính là ở địa phương.
Một vị trưởng phòng lao động - thương binh và xã hội nói rằng nhiều lao động nghèo không đăng ký tạm trú nhưng tổ dân phố biết rõ họ đã ở đó và xác nhận thế nào là do phường, tổ dân phố, công an khu vực.
Vì thế, dù quy định cụ thể, chặt cũng không ai biết rõ hộ nghèo, khó khăn bằng chính người dân, tổ trưởng dân phố, khu phố. Và lúc này, bác tổ trưởng có tiếng nói quan trọng để hộ khó khăn có tên trong danh sách hỗ trợ. Đã có không ít lần xảy ra "đấu lý" giữa tổ trưởng và người dân cùng nghi ngờ về sự không công bằng, hoặc ghi tên nhận hỗ trợ theo kiểu "thương, ghét" trong các đợt hỗ trợ trước.
Mặc dù theo quy định, danh sách người nhận hỗ trợ phải được niêm yết công khai ở tổ dân phố nhưng hiện đang giãn cách, người dân không ra ngoài để theo dõi. Có vị tổ trưởng đề xuất "hỗ trợ dịch bệnh là khẩn cấp, không có thời gian để rà soát nhưng có thể gửi danh sách hộ được hỗ trợ qua điện thoại để người dân có ý kiến hay sau này niêm yết công khai để hậu kiểm".
Dù hậu kiểm thế nào, công khai ra sao, muốn có công bằng cần nhất vẫn là sự công tâm của các bác tổ trưởng với bà con chòm xóm. Lúc này ai cũng khó nhưng có người khó hơn. Bà con đã chấp nhận ở lại để TP chống dịch, vì thế phải tìm ra, không để sót người cần giúp đỡ và cũng tránh để tiền hỗ trợ rơi vào người chưa thật sự khó khăn.
Một việc nhỏ nhưng đầy ý nghĩa mà các bác tổ trưởng có thể đóng góp cho công cuộc chống dịch.
TTO - Đến thời điểm này, lao động nghèo, khó khăn, ai có mặt tại TP.HCM thì được hỗ trợ đột xuất ngắn hạn vì đại dịch, không phân biệt tạm trú hay thường trú.
Xem thêm: mth.54981058070801202-gnourt-ot-cab-iov-uhn-nahn-iol/nv.ertiout