Mô hình sản xuất "3 tại chỗ" đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng - Ảnh: N.TRÍ
Đó là một trong những nội dung chính của văn bản về báo cáo và đề xuất giải pháp liên quan các kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp TP vừa được Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương ký gửi đến Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM.
Theo văn bản này, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, Sở Công thương kiến nghị UBND TP.HCM báo cáo Chính phủ xem xét, chấp thuận giảm giá điện sinh hoạt của công nhân tại những doanh nghiệp tổ chức phương án sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 địa điểm" như đang áp dụng đối với các cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, sở này đề xuất UBND TP đề nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí và công bố các điểm test nhanh COVID-19 dọc đường để lái xe có thể thực hiện đảm bảo thời gian test quy định; nếu lái xe có giấy chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID 19 và có giấy xét nghiệm âm tính thì được phép lưu thông không giới hạn thời gian xét nghiệm.
Giao UBND quận - huyện và TP Thủ Đức tiếp tục nhận đơn đề nghị, khẩn trương tổ chức thẩm định các doanh nghiệp duy trì sản xuất đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch; hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế và lương thực - thực phẩm được tiêm vắc xin đủ số lượng người lao động.
Theo văn bản này, Sở Công thương cho biết tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ thương nhân kinh doanh tại chợ truyền thống gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP; theo đó:
Mức hỗ trợ đối với chợ hạng 1 là 300.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng; chợ hạng 2 là 210.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng; chợ hạng 3 là 150.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng (hạng chợ theo quy định của Chính phủ), thời gian 6 tháng (từ tháng 7 đến hết tháng 12 năm 2021).
Đối tượng hỗ trợ là thương nhân tại chợ truyền thống, có mã số thuế, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp, Sở Công thương cho biết tiếp tục phối hợp các sở ngành liên quan để tham mưu UBND TP kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành có biện pháp chỉ đạo tháo gỡ trong lưu thông, sản xuất.
Theo nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM, hiện nay công tác tổ chức sản xuất theo quy định "3 tại chỗ" gặp nhiều khó khăn, thiếu hụt nhân sự nên nguy cơ dẫn đến đứt gãy nguồn cung. Do đó, doanh nghiệp đề nghị ngưng áp dụng quy định "3 tại chỗ", hoặc có giải pháp riêng, không nên cào bằng quy định này.
Trong khi đó, nhiều tiểu thương ở các chợ truyền thống tại TP.HCM cho biết hiện vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ theo quy định. Đại diện một số ban quản lý chợ cho biết danh sách các tiểu thương được nhận hỗ trợ đã có nhưng do ảnh hưởng của dịch nên hiện nay vẫn chưa thực hiện việc chuyển tiền hỗ trợ.
TTO - Ngày 6-8, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết đã đồng ý để Liên đoàn Lao động TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và hỗ trợ lực lượng y tế 19 tỉnh, thành phía Nam.