Sáng 7/8, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, Phó Giám đốc sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, để đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân nhưng vẫn an toàn phòng chống dịch, ngành công thương TP.HCM đã phối hợp chính quyền quận, huyện để hướng dẫn các chợ hoạt động theo kiểu mới.
Báo cáo mới nhất của sở Công thương TP.HCM cho hay, tính từ 19/7 đến 4/8, trên địa bàn thành phố này có thêm 14 chợ truyền thống được khôi phục hoạt động.
Các chợ đủ điều kiện mở lại gồm Kiến Thành (quận Bình Tân); Tân Đoàn Việt, Tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A, Hưng Long (huyện Bình Chánh); Thạnh Xuân, Thới An, Hiệp Thành (quận 12); Thái Bình, Đa Kao (quận 1); Tân Thông Hội, Phước Thạnh (huyện Củ Chi); Bình Thới (quận 11).
Ngày 4/8, có 2 chợ trên địa bàn quận 10 được mở cửa trở lại là chợ Nguyễn Tri Phương và chợ Hòa Hưng. Trong đó, chợ Nguyễn Tri Phương chỉ có 25 tiểu thương, chợ Hòa Hưng có 15 tiểu thương kinh doanh bán các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, rau, củ.
Trước đó, chợ Bình Thới hoạt động trở lại ngày 1/8; chợ Thới An ngày 2/8; chợ Hiệp Thành, chợ Phước Thạnh ngày 3/8; chợ Đa Kao ngày 30/7; chợ Tân Thông Hội ngày 31/7; chợ Hưng Long ngày 22/7; chợ Thạnh Xuân ngày 25/7; chợ Thái Bình ngày 26/7...
Các chợ hoạt động lại đang có lượng khách tương đối ổn định và áp dụng nghiêm quy định về giãn cách, xếp hàng theo đúng quy định, có thực hiện đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và khai báo y tế trước khi vào mua sắm.
Tính đến nay, TP.HCM có 33/237 chợ đang hoạt động. Số lượng 33 chợ được mở lại hiện nay hoạt động theo mô hình mới có tên là “điểm bán thực phẩm tươi sống, đảm bảo an toàn”.
“Về mức độ đảm bảo an toàn, có lẽ là an toàn nhất trong các điểm bán cũng như cách thức bán hàng trực tiếp hiện nay chúng ta đang thực hiện. Từ khi mở lại tới nay, các mô hình này chưa xuất hiện các ca lây nhiễm Covid-19”, ông Phương nói.
Trước đó, nhiều chợ tạm ngưng hoạt động khiến không ít người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn hàng thiết yếu. Tuy nhiên, với việc tăng nguồn cung ở các kênh như siêu thị, cửa hàng, bán hàng lưu động... TP.HCM đang dần khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
"Ngoài việc tích cực làm việc với quận huyện để tăng số lượng chợ mở cửa lại, xây dựng mô hình chợ "dã chiến" trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh, đơn vị sẽ huy động các hệ thống khác tham gia cung cấp thực phẩm dưới dạng lưu động, "combo" theo nhóm đăng ký trước với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương... Đó là những giải pháp sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới", ông Phương nói.
Phát biểu tại cuộc họp báo 5/8, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, các chợ đang hoạt động theo mô hình mới hiện nay rất an toàn, đảm bảo các quy trình không tiếp xúc, độc lập với nhau. Và với các chuỗi đang hoạt động chỉ khi nào đảm bảo an toàn mới hoạt động, không thì sẽ ngừng ngay.
“Không chỉ chợ an toàn mà sản xuất an toàn, các mô hình an toàn khác. Phải hết sức an toàn mới hoạt động, khi mất an toàn thì phải ngừng ngay, có sự điều chỉnh cho an toàn”, ông Mãi nói.