TAND tỉnh Bình Định vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu chia di sản thừa kế giữa nguyên đơn là bà ĐTL và bị đơn là ông ĐTS (con trai thứ của bà L.).
Các bên đều thừa nhận nguồn gốc đất là do phía gia đình ông ĐTQ (chồng bà L.) để lại cho vợ chồng bà cất nhà ở.
Từ năm 1961 đến năm 1975, do hoàn cảnh chiến tranh nên gia đình bà L. phải chuyển đến nơi khác sống. Sau năm 1975, gia đình bà về lại xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước xây dựng lại nhà để ở.
Bà L. khai khi xây nhà có xin phép chủ tịch xã Phước Hòa nhưng chỉ xin miệng và không có giấy tờ gì chứng minh.
Từ sau năm 1975 đến nay, bà L. đứng tên đăng ký kê khai và đóng thuế cho Nhà nước. Năm 2006, bà cắt một phần thửa đất chuyển nhượng cho một người con riêng. Việc chuyển nhượng đất này được mẹ chồng, chị chồng và con trai trưởng của bà đồng ý.
Năm 2018, bà L. làm hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) phần đất còn lại thì ông S. cản trở.
Bà L. khởi kiện yêu cầu được công nhận QSDĐ đối với phần đất hiện bà đang quản lý sử dụng. Còn ông S. và em gái ruột yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Q. theo pháp luật vì đó không phải là tài sản riêng của bà.
Ngày 21-9-2017, TAND huyện Tuy Phước xử sơ thẩm đã công nhận QSDĐ hợp pháp của bà L. là 470m2/498,7m2 đo đạc thực tế.
Đồng thời, tòa các yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của ông S. và em gái về di sản của ông Q. là thửa đất diện tích 436,1m2, tọa lạc tại xã Phước Hòa vì đã hết thời hiệu khởi kiện.
Sau phiên sơ thẩm, ông S. kháng cáo. VKSND huyện Tuy Phước kháng nghị theo hướng hủy án sơ thẩm.
Theo VKS, bản án sơ thẩm đã bỏ sót người tham gia tố tụng; chưa thu thập đầy đủ chứng cứ để xác định di sản thừa kế; xác định thời hiệu chia thừa kế không đúng với quy định của pháp luật và các hướng dẫn thi hành.
Cụ thể, hàng thừa kế của ông Q. gồm có mẹ ruột, vợ là bà L. và ba con, trong đó có ông S. Vì mẹ ruột ông Q. đã chết nên cần phải đưa các con của bà (hai người em của ông Q.) tham gia tố tụng với tư cách là người thừa kế của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan...
Tuy nhiên, tòa sơ thẩm không xác minh thu thập đưa họ tham gia tố tụng là bỏ lọt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của họ.
Sau chiến tranh, gia đình bà L. về lại xã Phước Hòa xây dựng lại nhà để ở. Bà khai khi xây nhà có xin phép chủ tịch xã nhưng chỉ xin miệng và không có giấy tờ gì chứng minh… Tòa sơ thẩm cũng không thu thập tài liệu chứng tỏ diện tích đất bà L. kê khai có phải là tài sản riêng của bà hay không.
Việc tòa sơ thẩm tuyên công nhận quyền sử dụng thửa đất nói trên cho bà L. là không phù hợp chứng cứ và tình tiết khách quan của vụ án làm ảnh hưởng quyền lợi của các đồng thừa kế của ông Q.
Ông Q. chết năm 1968 nhưng theo đơn phản tố đề ngày 14-3-2020, ông S. khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Mặc dù, từ thời điểm ông Q. chết đến thời điểm ông S. yêu cầu chia di sản thừa kế là 52.
Dù vậy, áp dụng theo tinh thần hướng dẫn tại Công văn số 01 ngày 5-1-2018 của TAND Tối cao hướng dẫn về thời hiệu khởi kiện qui định tại Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo qui định tại Điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và Hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.
Do vậy, thời hiệu khởi kiện trong vụ án này được tính từ ngày 10-9-1990 là vẫn còn thời hiệu theo qui định tại Điều 623 BLDS năm 2015. Việc tòa sơ thẩm cho rằng đã hết thời hiệu chia di sản thừa kế là chưa áp dụng đúng các quy định của pháp luật về thừa kế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Từ đó, HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của VKS, tuyên hủy án sơ thẩm.