Đại hội đồng cổ đông thương niên mới đây của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã thông qua phương án phát hành thêm 800 triệu cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu trong năm nay để tăng vốn điều lệ, bổ sung thanh khoản. Theo đó, giá chào bán là 10.000 đồng/ cổ phiếu, mức giá này chỉ bằng 40% thị giá của HVN.
Với tỷ lệ sở hữu 8,77% tại Vietnam Airlines, hãng hàng không All Nippon Airways (ANA Holdings) sẽ có 124,4 triệu quyền mua ưu đãi cổ phiếu HVN theo tỷ lệ 56.4% (1.000 quyền sẽ được mua 564 cổ phiếu chào bán). Như vậy, cổ đông Nhật Bản này có quyền mua 70 triệu cổ phiếu HVN với giá ưu đãi 10.000 đồng/ cổ phiếu, tổng giá trị là 700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đại gia Nhật Bản này vừa công bố thông tin sẽ chuyển nhượng toàn bộ quyền mua cổ phiếu của mình cho người lao động Vietnam Airlines Group mà không yêu cầu bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào.
Theo đó, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) dự kiến thực hiện chuyển nhượng quyền mua từ ngày 9.8 đến ngày 7.9.2021.
Trước đó, Vietnam Airlines đã thông báo phương án phân phối số quyền mua mà ANA Holdings chuyển nhượng cho người lao động.
Hơn 70 triệu cổ phiếu thuộc quyền mua của ANA sẽ được Công đoàn Vietnam Airlines đại diện phân phối cho 15.100 người lao động, gồm gồm cán bộ, nhân viên tại công ty mẹ và 4 công ty con (VIAGS, VAECO, SKYPEC, VACS), người lao động biệt phái tại các công ty con/liên minh SkyTeam và tiếp viên người Việt Nam có giao kết hợp đồng lao động trực tiếp với công ty Alsimexco (ALS).
Cụ thể, cán bộ nhân viên văn phòng và tiếp viên cơ hữu có hệ số phân bổ là 1, mỗi người được dự kiến mua tối đa 5.737 cổ phiếu, trị giá hơn 57 triệu đồng. Tiếp viên ALS (lao động thời vụ ký hợp đồng qua CTCP Cung ứng và Xuất nhập khẩu Lao động Hàng không Alsimexco) mỗi người được mua tối đa 2.868 cổ phiếu, trị giá gần 29 triệu đồng.
Hiện tại, nguyên nhân đằng sau quyết định cho không quyền mua của ANA Holdings vẫn chưa được tiết lộ.
Theo tìm hiểu của PV, ANA group được thành lập vào năm 1952, tiền thân là công ty kinh doanh vận tải hàng không (máy bay chở khách, chở hàng và máy bay trực thăng). Với hơn 60 năm hình thành và phát triển, tập đoàn này đã trở thành tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản và hiện diện tại các quốc gia phát triển trên thế giới.
Theo đó, ANA Holdings sở hữu tới 63 công ty con và 18 chi nhánh với quy mô gần 40 nghìn nhân viên, hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và hành khách cũng như các hoạt động liên quan tới hàng không như dịch vụ chăm sóc khách hàng, dịch vụ ăn uống và dịch vụ CNTT… Hiện nay, tập đoàn này còn lấn sân sang lĩnh vực thương mại và bán lẻ hàng hóa tiêu dùng.
Đặc biệt, ANA Holdings chính là công ty mẹ của All Nippon Airways (ANA) - Hãng hàng không truyền thống cung cấp dịch vụ đầy đủ và Vanilla Air - Hãng hàng không giá rẻ của Nhật Bản.
Mới đây, ANA Holdings vừa báo cáo lỗ ròng 51,16 tỷ Yên (tương đương 470 triệu USD) trong giai đoạn từ tháng 4-6/2021, nối tiếp mức lỗ kỷ lục 3,7 tỷ USD của năm 2020 do nhu cầu đi lại vẫn ảm đạm giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Đối với Vietnam Airlines, đại dịch Covid-19 bùng phát liên tục đã khiến tình hình kinh doanh của hãng bay rơi vào khủng hoảng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines ước lỗ hợp nhất 10.788 tỷ đồng, trong đó lỗ của công ty mẹ là 9.823 tỷ đồng, đồng thời các chỉ số tài chính diễn biến theo hướng rất tiêu cực và rủi ro.
Theo kế hoạch trình cổ đông, Vietnam Airlines dự kiến tổng doanh thu năm 2021 sẽ đạt 37.364 tỷ đồng và lỗ ròng hợp nhất lên tới 14.526 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ 11.178 tỷ đồng của năm 2020.
Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 6, hãng bay đang có 13.337 tỷ đồng nợ quá hạn các đối tác, nhà cung cấp. Trong đó, 7.099 tỷ đồng là khoản tiền nợ thuê máy bay từ 12 đối tác; 4.021 tỷ đồng tiền nợ quá hạn nhiên liệu, sửa chữa bảo dưỡng động cơ, phụ tùng vật tư; 2.053 tỷ đồng nợ các tổ chức tín dụng và cuối cùng là 1.847 tỷ đồng là khoản nợ dịch vụ chuyến bay, dịch vụ hàng không.