vĐồng tin tức tài chính 365

Nghịch lý: Được mùa, người trồng nhãn lồng ở Hưng Yên vẫn “khóc ròng”

2021-08-09 17:50

Mùa nhãn 2021, hàng chục nghìn tấn nhãn lồng ở Hưng Yên có nguy cơ phải bán với mức giá chỉ còn 1/3, bởi không có đầu ra.

Nhãn chín rực vườn, thương lái không thấy đâu

Chỉ còn khoảng 15 ngày nữa, 100 gốc nhãn lồng của anh Xuân Hiếu (xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) bắt đầu chín rộ, nhưng cả gia đình anh như đang ngồi trên đống lửa vì không biết sẽ phải tiêu thụ như thế nào.

“Mọi năm, tầm này là thương lái đã về đặt mua cả cây với giá 15.000-20.000 đồng/kg. Nhưng nay thương lái không về, khả năng xấu là gia đình sẽ phải bán cho lò sấy với giá rẻ mạt từ 6.000-7.000 đồng/kg” – anh Hiếu buồn rầu chia sẻ.

Cũng cùng xã Tứ Dân với anh Hiếu, gia đình anh Đỗ Văn Việt có khoảng 300 gốc nhãn lồng cũng bắt đầu chín, nhưng vẫn không thấy thương lái về mua như mọi năm.

Anh Việt cho biết, trung bình mỗi cây nhãn cho sản lượng khoảng 60-80kg loại quả ngon (đã trừ đi những trà không đạt chất lượng). Như vậy, sản lượng nhãn khổng lồ của gia đình anh đang trong tình trạng bán không được, đổ đi không xong, đành phải đưa vào lò sấy với giá 7.000-8.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí cho mỗi sào (khoảng 20 cây nhãn) mỗi vụ đã mất khoảng 4-4,5 triệu tiền đầu tư.

“Các thương lái không đến, cũng không đặt điện thoại để mua nhãn. Chúng tôi xác định là bán lẻ được cân nào thì bán, còn lại sẽ “đổ” cho các lò sấy long nhãn với giá chỉ còn 1/3” – anh Việt nói.

Nhãn Hưng Yên đang vào vụ, nhưng đang đối mặt với nguy cơ không tìm được đầu ra vì dịch COVID-19.

Tại các xã Hàm Tử, xã An Cảnh (Hưng Yên), tâm trạng người dân cũng đang phấp phỏng khi mồ hôi, công sức và tiền bạc đổ ra cả một năm, giờ coi như mất trắng. Anh Nguyễn Văn Trưởng (Hàm Tử) chia sẻ: Gia đình anh có gần 500 gốc nhãn, giờ không biết làm gì với hàng nghìn tấn nhãn chuẩn bị cho thu hoạch trong 2 tuần tới, bởi không tìm được đầu ra.

Cũng như gia đình anh Hiếu, anh Việt, anh Trưởng, hàng trăm hộ trồng nhãn ở Hưng Yên đang lo lắng vì một vụ nhãn năng suất cao nhưng chưa tìm được đầu ra. Nhiều hộ đã đã đăng trên facebook hoặc các nhóm mạng xã hội để rao bán nhãn, nhưng hầu như không có người mua sỉ, chỉ có một số ít khách đặt lẻ để ăn.

Có hay không tình trạng để nông dân “tự bơi”

Được biết, ngày 15.7, tỉnh Hưng Yên và Bộ Công Thương đã kết nối tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ nhãn và các nông sản tỉnh Hưng Yên theo hình thức trực tiếp và trực tuyến qua 15 điểm cầu tỉnh, thành trong nước; gần 60 điểm cầu chính ở nước ngoài từ 21 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới gồm: Anh, Australia, Ấn Độ, Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Đài Loan, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hồng Kông, Indonesia, Israel, Malaysia, Myanmar, Lào, Nhật Bản, Pháp, Singapore và Trung Quốc…

Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên việc xúc tiến thương mại cho quả nhãn đã không phát huy được hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hoạt động xúc tiến thương mại cho nhãn lồng Hưng Yên còn được làm rầm rộ hơn vải thiều Bắc Giang. Nhưng vải thiều may mắn hơn vì thời điểm đó chỉ có Bắc Giang bị dịch COVID-19, còn nhãn lồng Hưng Yên chín đúng vào thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng. Nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Hơn nữa, quả vải thiều chỉ Bắc Giang và một số tỉnh phía Bắc trồng. Còn quả nhãn thì khó khăn vô vàn vì không chỉ Hưng Yên và các tỉnh phía Bắc, mà các tỉnh phía Nam cũng vào vụ.

“Dịch COVID-19 quá căng thẳng; quá nhiều tỉnh, thành là thị trường đầu ra cho nhãn Hưng Yên đang bị dịch. Thực ra khách mua nhãn trong nước và thế giới rất nhiều mà không mua được do giãn cách xã hội, chi phí logistics tăng vọt, thời gian kiểm tra hàng hóa lâu để qua các chốt sẽ giảm phẩm cấp nhãn tươi xuống mạnh, nên doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu dè dặt không dám làm mấy, vì làm là lỗ nặng” – bà Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ.

Theo Bộ Công Thương, hiện tại các đơn vị như doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp chế biến vẫn mua và tiêu thụ nhãn theo hợp đồng đã ký tại chương trình xúc tiến thương mại từ đầu vụ. Quả nhãn cũng có lợi thế là có thể sấy để chế biến long nhãn, nên không có tình trạng phải đổ bỏ.

Tuy nhiên, việc không thể tiêu thụ và tìm được đầu ra cho quả nhãn lồng đang khiến bà con nông dân ở Hưng Yên "khóc ròng", ngoài thua lỗ là tiếc công sức mình đã bỏ ra cả một năm trời.

Năm 2021, Vietnam Post dự kiến sẽ hỗ trợ nông dân trong tỉnh tiêu thụ khoảng 3-5% sản lượng nhãn, tương đương 1.500 tấn nhãn qua sàn thương mại điện tử postmart.vn.

Viettel Post cũng đã đặt mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ khoảng 300 tấn nhãn trên sàn thương mại điện tử voso.vn.

Các sàn thương mại điện tử khác như: shopee.vn, sendo.vn… cũng tham gia hỗ trợ người dân tiêu thụ nhãn trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, hàng nghìn hộ trồng nhãn ở Hưng Yên vẫn đang ngồi trên đống lửa, nhìn vườn nhãn chín rộ mà không có người mua.

Xem thêm: odl.520049-gnor-cohk-nav-ney-gnuh-o-gnol-nahn-gnort-iougn-aum-coud-yl-hcihgn/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nghịch lý: Được mùa, người trồng nhãn lồng ở Hưng Yên vẫn “khóc ròng””0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools