Theo đó, Nghị định 155/2016 đã tạo ra sự chuyển biến tích cực đối với người dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân hoạt động sản xuất đã chủ động khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm; đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật và vận hành thường xuyên theo đúng quy định.
Qua hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đã phát hiện những khó khăn, bất cập của một số quy định pháp luật, qua đó đã đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung trong chương trình sửa đổi Luật BVMT, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 155/2016.
Công tác xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường ở TP.HCM
còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: NC
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, quy định pháp luật về BVMT nói chung và Nghị định 155 nói riêng vẫn còn một số bất cập, hạn chế.
Cụ thể: Mức phạt tiền lĩnh vực BVMT theo Nghị định 155/2016 được tăng nhiều lần, phù hợp với nguyên tắc “gây ô nhiễm càng nhiều, mức phạt tiền càng cao”. Tuy nhiên, thẩm quyền phạt tiền của các chức danh chưa được tăng tương ứng, dẫn đến đa phần các trường hợp vi phạm đều thuộc thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND TP.HCM nên làm giảm tính chủ động của cơ quan quản lý địa phương.
Việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn gặp nhiều khó khăn trong trường hợp doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, thay đổi pháp nhân... nhằm trốn tránh việc nộp phạt vi phạm hành chính. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đòi hỏi tính kịp thời, chính xác, trong khi đó nguồn nhân lực hiện nay còn thiếu, địa bàn quản lý rộng nên chưa đáp ứng đủ yêu cầu công việc.