Phụ nữ ở Sông Đốc tự tay làm cá khô thật ngon gửi tặng bà con Sài Gòn - Ảnh Q.K.
Sáng sớm, tôi nhận cuộc gọi bất ngờ của chị Đinh Ngọc Bích (43 tuổi) từ thị trấn cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Chị nhờ kết nối, gửi hàng ngàn phần cá khô mà chị vừa làm để tặng người dân Sài Gòn.
Tìm cá những ngày biển động
Vẫn giọng đặc sệt và phong cách "làm rồi mới nói", chị Bích tâm sự coi tivi chiếu cảnh bà con Sài Gòn gặp khó khăn, chị xót quá nên tổ chức mần cá khô tặng, mong chia sẻ ít nhiều trong những ngày dịch giã.
Chị kể: "Tui có quen hai ông xe ôm ở Sài Gòn, hay nhờ họ chạy mua đồ gửi về Cà Mau. Nhưng mấy nay các ảnh ấy than dịch bệnh, không ra đường được.
Gia đình họ vô cùng khó khăn khi hết tiền, hết lương thực. Mình giúp hai, ba hoàn cảnh thì dễ rồi. Còn bao người hoàn cảnh như vậy nữa. Nên tui mới tính mần khô cho bà con trên đó dự trữ ăn lâu dài".
Nói gọn vậy, nhưng tổ chức làm hàng ngàn ký cá thành khô đặc sản thì không hề dễ. Mấy hôm trước, tàu thu mua cá mang tên Bích Khải từ Sông Đốc ra khơi không theo lịch trình như mọi khi.
Tài công mở máy bộ đàm rà các ghe đánh cá trong vùng để hỏi tình hình đánh bắt. Chuyến này lại đặc biệt hơn khi tàu đi hải trình dài, không tính toán chi phí nhiên liệu như mọi khi. "Mình đâu tính lời lỗ, chỉ làm sao mua được nhiều cá ngon gửi tặng bà con" - chị Bích, chủ tàu, chia sẻ.
Từ vùng biển Hòn Chuối, sang Hòn Khoai, nhiều tàu phản hồi biển động, họ phải vào đảo ẩn trú. Có chủ tàu áy náy chỉ đánh được ít cá, nếu tàu Bích Khải từ xa đến mua thì chi phí nhiên liệu sẽ cao hơn số tiền mua cá. Thế nhưng chị Bích vẫn cho tàu chạy đến thu mua, dù vài chục ký cá, hay vài trăm ký cũng đến.
"Phải tìm mấy chục tàu mới gom được vài tấn cá, chứ ngày thường một, hai tàu là đủ" - chị Bích kể những ngày tàu ra khơi, ở nhà chị rất bồn chồn. Vừa lo anh em ngoài biển gặp sóng to gió lớn, vừa sốt ruột khi mỗi ngày mở tivi lại thấy cảnh bà con Sài Gòn đang khốn khó vì dịch bệnh. Chị mong tàu mau về để sớm có cá gửi lên cho bà con.
Những ngày dịch giã, bạn đi tàu lớp về quê, lớp ở nhà giãn cách, không đi làm. Khi tàu chở số cá gom được ngoài khơi về đến Sông Đốc thì chị Bích lại đối diện với cái khó là thiếu nhân công chế biến.
Thời may, xóm trọ gần đó cũng có người không về quê. Khi nghe chị Bích kêu gọi cùng giúp chế biến cá làm khô gửi ủng hộ bà con Sài Gòn, nhiều người đã nhiệt tình bắt tay cùng làm với chị.
"Thời tiết thất thường, tụi tui làm ra cá, chế biến, đem phơi thì mây kéo tới, lại phải cuốn cá vô nhà. Khi nắng lên, dọn ra phơi, nhưng vừa dọn ra thì trời lại chuyển mưa. Trong một ngày, cả chục lần phơi ra, dọn vô như vậy" - chị Bích kể. Thấy vợ làm ngày làm đêm, anh Trang Quốc Khải, chồng chị, cũng xót nhưng hiểu lòng vợ mình.
Chị Đinh Ngọc Bích tìm mua cá ngon làm khô gửi tặng bà con Sài Gòn đang gặp khó khăn - Ảnh NVCC
Mình giúp hai, ba hoàn cảnh thì dễ rồi. Còn bao người hoàn cảnh như vậy nữa. Nên tui mới tính mần khô cho bà con trên đó dự trữ ăn lâu dài.
Chị Đinh Ngọc Bích
"Cá nghĩa, cá tình"
Cửa biển Sông Đốc được mệnh danh là "thị trấn ngàn tàu", bởi đây là cửa biển ở vị trí trung tâm ngư trường vùng biển Tây Nam. Tại đây, mỗi tháng có hàng ngàn tàu cá khắp các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang... ra vào bán cá và mua nhu yếu phẩm cho chuyến biển mới.
Cửa biển nơi đây cũng là xứ sở của những nghĩa cử con người giúp nhau khi hoạn nạn. Chính quyền địa phương nói rằng trong thị trấn nằm ở hai bên bờ sông Ông Đốc này, có rất nhiều địa chỉ quen thuộc mỗi khi bão tố, tàu gặp nạn, cần tàu đi cứu người, hay gặp người tứ cố vô thân bị ốm đau bệnh tật cần giúp. Trong đó, nhà chị Bích Khải là nơi người ta thường nhớ tới đầu tiên.
Trở lại câu chuyện làm cá khô gửi tặng Sài Gòn, người quen thấy chị Bích bỏ hàng trăm triệu đồng cho tàu ra khơi thu gom, rồi huy động nhiều chị em tự tay chế biến mấy tấn cá kỹ lưỡng như làm cho nhà ăn, có người hỏi chị sao không dùng số tiền đó ra chợ mua cho tiện. Chị Bích tình thiệt:
"Dân mình có câu của cho không bằng cách cho. Nhờ bà cậu thương mà gia đình tui đi biển làm ăn được đồng ra đồng vào. Nhưng không phải có tiền rồi muốn cho sao thì cho. Tui không yên tâm khi ra chợ mua cá khô gửi cho bà con Sài Gòn, vì liệu có sạch và ngon như chúng tui tự làm hay không. Mình phải làm cho tử tế" - chị nói.
Chị Bích chia sẻ rằng người dân ở Sông Đốc sống qua cơn bão Linda (năm 1997) sẽ thấm thía được lúc hoạn nạn cần có nhau.
Không chỉ cơn bão lịch sử với những con số đau thương, mà trong nhiều lần dông tố ở xứ này, người ta lại thấy những tấm lòng sẻ chia của đồng bào Sài Gòn gửi về, của những chuyến xe từ Sài Gòn vượt đường sá xa xôi để sát cánh cùng người dân xứ biển.
Ở Sông Đốc, cũng có những người chưa từng lên Sài Gòn, nhưng Sài Gòn trong họ là nghĩa tình như thế. Ngày thường, không ít ngư dân, doanh nghiệp ở Sông Đốc khi đánh bắt được thì chở hải sản lên Sài Gòn để bán cho được giá.
Ở đây, nhiều người sung túc lên nhờ Sài Gòn, con cái của họ cũng được gửi lên Sài Gòn để học ở những trường tốt. Khi bệnh tật, họ cũng được đưa lên thành phố này để có điều kiện chữa trị tốt...
Nhắc chuyện nghĩa tình sẻ chia, chị Bích chỉ cười nhẹ nhàng: "Tui chỉ lo bà con trên đó ăn khô của dân Sông Đốc tặng ngon quá, khi qua dịch lại xuống đây tìm khô thì chắc không có sẵn đâu. Cá tui mua lựa cá ngon, khô tui làm là ngon "bá chấy". Cá nghĩa, cá tình mà...".
Sẽ tiếp tục gửi cá khô về Sài Gòn
"Mình lên mạng, thấy người dân khắp nơi gửi rau củ về cho bà con Sài Gòn. Ở xứ người ta có rau màu, còn mình xứ biển chỉ có cá thì mình gửi cá, mà phải gửi cá sạch và ngon.
Không phải dịch giã, thấy bà con khó khăn thì mình muốn cho gì cho..." - chị Bích cho biết sau chuyến quà hơn 1.000 phần khô cá đuối, cá lẹp, cá lưỡi trâu... do chính tay chị và bà con Sông Đốc làm gửi, chị vẫn tiếp tục cho tàu ra khơi để tìm mua cá làm khô gửi tặng Sài Gòn.
TTO - Qua bao chốt kiểm dịch, chúng tôi về những xóm trọ cạnh các khu công nghiệp tại TP.HCM - nơi ở của hàng ngàn người lao động từ mọi miền đất nước đang gặp khó khăn...