Cán cân quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc rất phức tạp. Sự cạnh tranh giữa hai quốc gia hiện bước vào giai đoạn mới với mỗi bên đang nỗ lực phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu để thiết lập sự thống trị toàn cầu.
Theo trang tin The EurAsian Times, cả Mỹ và Trung Quốc đều xem nhau là đối thủ lớn nhất của họ. Mở rộng khả năng quân sự là cách tốt nhất để họ uy hiếp đối phương. Tuy nhiên, điều này cũng đã khuyến khích một cuộc chạy đua vũ trang nơi mỗi bên đang cố gắng phá hoại bên còn lại.
Chương trình Thống lĩnh hàng không thế hệ mới (NGAD) của Mỹ
Như The EurAsian Times đưa tin trước đó, Mỹ đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ sáu nhằm chống lại mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ý tưởng thiết kế máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ). Ảnh: TWITTER
Tháng 6-2021, Không quân Mỹ thông báo rằng chương trình Next Generation Air Dominance (tạm dịch Thống lĩnh hàng không thế hệ kế tiếp-NGAD) sẽ được sử dụng trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu trong 10 năm tới.
Máy bay chiến đấu mới sẽ thay thế tiêm kích tàng hình F-22 Raptor và có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Theo Tướng Mark D. Kelly, Tư lệnh Bộ chỉ huy tác chiến trên không của không quân Mỹ, NGAD có thể có hai biến thể: một là loại có tầm bắn xa và tải trọng lớn cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và loại còn lại có tầm ngắn cho bất kỳ khu vực tác chiến nào có thể xảy ra ở châu Âu.
Tham mưu trưởng Không quân Mỹ - Tướng Charles Q. Brown Jr cho hay máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu “có khả năng thực hiện các cuộc tấn công không đối đất đảm bảo sự an toàn trước hết cho nó, và quan trọng nhất là cung cấp các lựa chọn cho các chỉ huy không quân và lực lượng chung của chúng tôi”.
Tháng 9-2020, có thông tin tiết lộ rằng máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu này đã được thiết kế, phát triển và thử nghiệm.
Trung Quốc đang làm gì?
Trung Quốc cũng đang mong muốn đến năm 2035 có thể chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ kế tiếp của riêng nước này. Bắc Kinh rõ ràng muốn gửi đến thế giới một thông điệp rằng nước này sẽ chế tạo tiêm kích tàng hình thế hệ thứ sáu tốt hơn loại đã được thử nghiệm của Mỹ.
Theo các báo cáo, công ty chế tạo phi cơ Thẩm Dương – đơn vị sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Trung Quốc thông báo rằng công ty đang tiến hành nghiên cứu về sự thích ứng nhiệt độ, sự tích hợp cấu trúc và chức năng.
Kết xuất đồ họa về những gì được suy đoán là máy bay chiến đấu thế hệ kế tiếp J-28 của Trung Quốc. Ảnh: The EurAsia Times
“Máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Trung Quốc sẽ ra đời vào năm 2035 hoặc sớm hơn” – tờ Global Times dẫn lời ông Wang Haifeng, kiến trúc sư trưởng tại Viện Nghiên cứu và Thiết kế máy bay Thành Đô, người cũng tham gia phát triển tiêm kích J-20 và J-10, cho biết.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu (J-25 hoặc J-28) sẽ bao gồm khả năng chỉ huy máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo (AI), và thậm chí khả năng tàng hình cao hơn thông qua thiết kế khí động học.
Những công nghệ mới như laser, động cơ thích ứng, vũ khí siêu thanh và chiến tranh bầy đàn có thể cũng được tích hợp vào máy bay chiến đấu mới này, ông Wang cho biết hồi tháng 1.
Trung Quốc hiện nâng cấp tiêm kích J-20 để thu hẹp khoảng cách giữa J-20 với F-22 Raptor và F-35 của Mỹ. Theo báo cáo của Royal United Services Institute, một viện chính sách quốc phòng có trụ sở tại Anh, thiết kế của J-20 kết nạp nhiều tính năng vốn được sao chép từ F-22 và F-35, bao gồm mũi hình nón, hệ thống ngắm mục tiêu quang-điện tử (EOTS) gắn dưới mũi, và cửa hút không khí gắn bên sườn máy bay.
Vì thế, việc Mỹ không tiết lộ nhiều về máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của họ có thể là do lo ngại về việc Trung Quốc “đánh cắp” thiết kế và chi tiết kỹ thuật.
Nghiên cứu của Royal United Services Institute cũng lưu ý rằng J-20 không phải là “hàng nhái” đơn thuần và có một số đặc điểm thiết kế cho thấy sự cân nhắc kỹ lưỡng về các yêu cầu năng lực cụ thể của Trung Quốc. Điều này khiến Mỹ càng nhanh chóng nâng cấp khả năng của mình.
Các nước châu Âu cũng đang trong cuộc đua
Ngoài Mỹ và Trung Quốc, Anh cũng đang phát triển máy bay chiến đấu thế hệ kế tiếp của nước mình. Năm 2018, chính phủ Anh cùng bốn đối tác công nghiệp là BAE Systems, Leonardo, MBDA và Rolls-Royce triển khai Dự án Tempest chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu.
Máy bay chiến đấu thế hệ kế tiếp Tempest. Ảnh: BAE Systems
Những công ty này sẽ làm việc cùng nhau để cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và vật lý của máy bay. Hồi tháng 7, Bộ Quốc phòng Anh ký một thỏa thuận trị giá 347 triệu USD với nhóm Dự án Tempest sau khi chương trình đã bước vào giai đoạn lên ý tưởng và đánh giá.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã ra thông báo gọi thỏa thuận này là “khoản đầu tư hàng triệu bảng Anh dựa trên kiến thức và kỹ năng của những chuyên gia công nghiệp Anh”.
“Với việc thúc đẩy ngành công nghiệp hàng không vốn đã dẫn đầu thế giới của chúng tôi, hợp đồng sẽ duy trì hàng ngàn việc làm trên khắp nước Anh và sẽ đảm bảo rằng Anh vẫn đứng đầu bảng khi nói đến chiến đấu trên không” – ông Wallace nói thêm.
Để chia sẻ khối lượng công việc về phát triển máy bay này, Anh đã ký một biên bản ghi nhớ với Ý và Thụy Điển năm 2020. Hồi đầu tháng 7, ông Wallace đã gặp người đồng cấp Nhật Nobuo Kishi tại Nhật. Hai bên đã quyết định thúc đẩy nhanh các cuộc thảo luận song phương về việc tạo ra hệ thống con cho chương trình.
Không chỉ Anh, các nước châu Âu khác đang nỗ lực mở rộng khả năng phòng không của mình. Tháng 2-2020, Pháp và Đức ký thỏa thuận đầu tư trị giá 150 triệu Euro để tài trợ dự án Hệ thống phòng không chiến đấu tương lai (FCAS) chung.
Tây Ban Nha cũng chính thức tham gia dự án hồi tháng 12-2020.