Ước tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm nếu mất thị trường Châu Âu (EU), trong đó, ước tính tổn thất từ hải sản khai thác, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài hải sản khác khoảng 387 triệu USD mỗi năm.
Đây là kịch bản tồi tệ các chuyên gia dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam sẽ phải đối mặt nếu Uỷ ban Châu Âu (EC) phạt thẻ đỏ nếu Việt Nam không đáp ứng các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tác động trước mắt và trực tiếp nhất đối với thủy sản Việt Nam sẽ là lệnh cấm thương mại của EC.
Là nước xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới, những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng đến việc phát triển bền vững ngành thủy sản. Tuy nhiên, với đặc thù nghề cá nhỏ lẻ, Việt Nam đang phải đối diện với một thách thức lớn liên quan đến cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) từ tháng 10/2017, do nỗ lực chưa đủ để chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thẻ vàng IUU của EC đã khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. So sánh kết quả xuất khẩu 2017-2019, sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu (EU) giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản giảm trên 10% sau 2 năm, tương đương giảm 43 triệu USD, trong đó, bạch tuộc giảm mạnh nhất 37%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 11%, cá ngừ giảm gần 2%, cua giảm 11%. Xuất khẩu các sản phẩm nuôi trồng sang EU cũng giảm 13% từ năm 2017 đến năm 2019.
Bà Phan Thị Huệ, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra, Tổng cục Thuỷ sản nhận định đây là hậu quả khi VN bị cảnh báo “Thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường EU.
Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt do bị tác động kép bởi dịch COVID-19, thẻ vàng IUU và Brexit, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD.
Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối đối với các thị trường khác và là đối tác quan trọng với ngành thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, thủy sản Việt Nam còn đứng trước nguy cơ mất thị trường EU trong trường hợp ngành hải sản khai thác Việt Nam bị EC phạt thẻ đỏ, nếu không có các giải pháp và hành động quyết liệt để tuân thủ các quy định chống khai thác IUU.
Để có đánh giá chi tiết về các nguy cơ này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với các chuyên gia của Đại học Nha Trang và Đại học Kinh Doanh Copenhagen (Đan Mạch) đã hợp tác thực hiện Báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam”. Báo cáo có sự giám sát của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) và được tài trợ bởi hai quỹ tín thác do Ngân hàng Thế giới quản lý, gồm Chương trình Toàn cầu về Thủy sản (PROFISH) và Chương trình Vì Nền Kinh tế Xanh (PROBLUE).
Kết quả nghiên cứu công bố ngày 10/8/2021 cho thấy, các sản phẩm thủy sản khai thác chịu tác động trực tiếp từ các Quy định IUU và cảnh báo thẻ vàng IUU, trong khi sản phẩm thủy sản nuôi trồng bị ảnh hưởng gián tiếp.
Các tác động gián tiếp đối với thủy sản nuôi trồng có nguyên do từ việc giảm sút uy tín, gánh nặng kiểm soát hải quan ngày càng tăng và việc không tận dụng được thuế quan ưu đãi của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA). Ngành thủy sản nuôi trồng có thể mất khoảng 93 triệu USD do các tác động gián tiếp. Về trung hạn, nếu lệnh cấm kéo dài trong 2-3 năm có thể gây gián đoạn xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó khai thác thủy sản sẽ bị thu hẹp ít nhất 30% về quy mô sản lượng.
Báo cáo cũng đánh giá về những thách thức mới đối với ngành thủy sản do đại dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, nếu Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA thì cơ hội phục hồi và hướng tới mục tiêu tăng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU tới 1,2-1,4 tỷ USD trong những năm tới là hoàn toàn khả thi. Điều này cho thấy cần có những giải pháp hợp lý, hiệu quả để sớm khắc phục thẻ vàng, đưa ngành thủy sản hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm từ 7-9% và đạt 16-18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030, cũng như hỗ trợ nghề cá bền vững.
Báo cáo nghiên cứu với trên 60 trang bao gồm 5 phần gồm các nội dung: đánh giá về thực trạng sản xuất, tiêu thụ thủy sản Việt Nam; đề cập các quy định về chống khai thác IUU của các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, các nước khác và Việt Nam; phân tích dòng chảy thương mại thủy sản trong giai đoạn 2007-2019 để đánh giá tác động kinh tế của thẻ vàng IUU đối với Việt Nam và trên cơ sở đó đánh giá định lượng về tổn thất kinh tế, tác động ngắn hạn và trung hạn trong trường hợp bị phạt thẻ đỏ IUU.
Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam về giá trị, chiếm khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam những năm gần đây dao động từ 8,5 đến gần 9 tỷ đô la Mỹ (USD) mỗi năm, trong đó thủy sản nuôi trồng đóng góp 60 - 65%, thủy sản khai thác chiếm 35 - 40% giá trị.
Ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên cập nhật, báo cáo phía EC kết quả thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của EC, gồm: (1) Khung pháp lý; (2) Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; (3) Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác; (4) Thực thi pháp luật.
Phía EC tiếp tục đánh giá cao cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU, đã có nhiều tiến bộ so với trước.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu có chiều dài trên 24m đã cơ bản hoàn thành, tính tổng số tàu từ 15m trở lên đã đạt gần 90%, việc đánh dấu tàu cá đã đạt trên 90%; Công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản tại các cảng cá được chỉ định cho tầu khai thác đã cơ bản đảm bảo, công tác chứng nhận đảm bảo theo yêu cầu của các chủ hàng xuất khẩu; Đã ngăn chặn tàu cá vi phạm tại các quốc đảo Thái Bình Dương và số tàu cá vi phạm tại các vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đã giảm dần theo từng năm (Kể cả vùng nước đã phân định và vùng nước lịch sử).
Công tác xử phạt tàu vi phạm các hành vi IUU theo Nghị định xử phạt mới đã có nhiều chuyển biến, các địa phương, các lực lượng đã vào cuộc mạnh và đồng đều hơn, năm 2020, cả nước đã xử phạt 2.468 vụ với số tiền trên 61 tỷ đồng, nhiều hành vi đã bị xử phạt với khung cao nhất lên đến 1 tỷ đồng… và còn nhiều những kết quả đáng ghi nhận khác.
Ông Nguyễn Tiến Thông, Đại Học Kinh Doanh Copenhagen, Đan Mạch; Đại Học Nha Trang, Việt Nam
Nếu bị thẻ đỏ, ngành khai thác sẽ mất ngay thị trường EU với GTXK gần 480 triệu USD; mất khoảng 387 triệu USD mỗi năm từ thị trường EU nếu bị cấm thương mại; Nuôi trồng sẽ mất khoảng 93 triệu USD do: giảm uy tín, áp lực từ kiểm tra hải quan và không tận dụng được thuế quan ưu đãi EVFTA.
Tác động trung hạn nếu lệnh cấm kéo dài trong 2-3 năm bao gồm sự gián đoạn của ngành thủy sản, trong đó khai thác sẽ bị thu hẹp ít nhất 30% về quy mô sản lượng, các thị trường khác như Mỹ hoặc Nhật Bản có thể làm theo Quy định IUU của EU, XK sang thị trường khác sẽ bị ép hạ giá & phải cạnh tranh với sản phẩm nước khác, ảnh hưởng đến 4,7 triệu lao động trong ngành và tác động mạnh đến các ngành khác do thay đổi cơ cấu lao động.
Khi đó mục tiêu đạt 16-18 tỷ USD xuất khẩu thuỷ sản trước năm 2030 là khả thi nếu sớm gỡ bỏ thẻ vàng, vì ngành thủy sản còn bị tác động kép từ Covid-19.
Bà Phan Thị Huệ, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra, Tổng cục Thuỷ sản
Hiện vẫn còn tồn tại hạn chế như một số địa phương, người dân, doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU.
Việc lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa đảm bảo theo tiến độ quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó tình trạng tàu cá mất kết nối thiết bị VMS với trạm bờ vẫn diễn ra, tuy nhiên kết quả xử lý tại các địa phương còn rất hạn chế. Về công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác giữa các tỉnh chưa đồng đều, kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu còn hạn chế trong khâu kiểm tra thực tế trên tàu.
Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực vẫn xảy ra, xử phạt hành chính chưa đồng bộ giữa các địa phương, việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài còn rất thấp so với các vụ việc trên thực tế.
Trong thời gian tới, cần thực hiện xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU để răn đe, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Ưu tiên bố trí kinh phí và cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, kiện toàn tổ chức Bộ máy, bổ sung nguồn nhân lực và các nguồn lực vật chất khác cho các Ban Quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư, Thanh tra, bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn để đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng nghề cá ven biển đảm bảo yêu cầu.
Vũ Long