Các y, bác sĩ làm việc tại một bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP Thủ Đức - Ảnh: TỰ TRUNG
6h ngày 11-8, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.802 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 4.792 ca ghi nhận trong nước, gồm tại TP.HCM (2.128), Bình Dương (936), Long An (515), Đồng Nai (428), Tây Ninh (263), Tiền Giang (177),
Bà Rịa - Vũng Tàu (102), Vĩnh Long (63), Khánh Hòa (41), Phú Yên (33), Bình Thuận (27), Sơn La (19), Đồng Tháp (15), Kiên Giang (12), Bình Định (10), Quảng Ngãi (9), Hà Tĩnh (7), Hà Nội (3), Nghệ An (2), Nam Định (1), Lạng Sơn (1); trong đó có 1.135 ca trong cộng đồng.
Tính đến sáng ngày 11-8, Việt Nam có 232.937 ca nhiễm, trong đó có 2.377 ca nhập cảnh và 230.560 ca nhiễm trong nước.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 228.990 ca, trong đó có 77.574 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Có 11 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
Sở Y tế TP. HCM vừa có văn bản khẩn hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 cách ly tại nhà và tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng hoặc nhóm cần thận trọng tiêm chủng.
Theo văn bản, đối tượng áp dụng là người mắc COVID-19 mới được phát hiện tại cộng đồng, đang cách ly tại nhà. Hướng dẫn này đã bao gồm cách chăm sóc, chỉ định một số thuốc thường dùng cho người bệnh, nhưng có ý kiến cần xem lại thuốc được chỉ định.
Riêng hướng dẫn tiêm vắc xin được biết đã "nới" hơn nhiều so với hướng dẫn cũ, những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng trước đây được xếp vào nhóm cẩn trọng và vẫn có thể tiêm chủng.
TP.HCM cùng vừa tiếp nhận thêm 600.000 liều vắc xin AstraZeneca do Bộ Y tế phân bổ để tiêm cho người dân thuộc các quận, huyện và TP Thủ Đức trong đợt 6.
Kỷ lục tiêm chủng trên 1,4 triệu mũi tiêm/ngày
Trong ngày 10-8, có trên 1.408.450 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là trên 11.341.860 liều, trong đó tiêm 1 mũi là trên 10.305.760 liều, tiêm mũi 2 là trên 1.036.100 liều. Như vậy, ngày 10-8 là ngày tiêm chủng nhiều nhất từ khi Việt Nam thực hiện tiêm vắc xin ngừa COVID-19, là "kỷ lục tiêm chủng" cho đến nay.
Đến hôm qua 10-8 là tròn 1 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19, đến nay đã có xấp xỉ 19 triệu liều vắc xin từ các nguồn khác nhau về đến Việt Nam, tiêm cho lực lượng tuyến đầu, người dân các địa bàn dịch bùng phát như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, Hà Nội...
Bộ Y tế đã có văn bản phân bổ vắc xin từ nay đến cuối năm 2021 để các địa phương nắm rõ được số lượng, lên phương án tiêm nhằm đảm bảo tiến độ.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Y tế, trong vòng 1 tháng tới số lượng vắc xin về sẽ rất hạn chế, không được như tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên vắc xin về đến đâu sẽ phân bổ theo nguyên tắc ưu tiên cho vùng dịch là TP.HCM và các khu vực đang có dịch lân cận.
Ngày 10-8, ông Huỳnh Thanh Nhân - giám đốc Sở Nội vụ, tổ trưởng Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, cho biết hiện TP có gần 58.000 người đang công tác trong ngành y tế và hơn 20.000 người tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, TP cũng đã tiếp nhận hơn 4.000 nhân sự từ 44 bệnh viện trực thuộc trung ương, các tỉnh thành và hơn 63.000 người đăng ký tình nguyện và từ các khối chính quyền, Đảng, đoàn thể.
Hiện nay, TP cần bổ sung 12.000 người gồm 2.800 bác sĩ; 8.200 điều dưỡng, kỹ thuật viên và 1.000 giảng viên, sinh viên tham gia công tác phòng, chống dịch.
Do số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng đang gia tăng, TP rất cần lực lượng bác sĩ, điều dưỡng đủ trình độ khám, điều trị từ tầng 2 đến tầng 5; đặc biệt rất cần đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn về hồi sức, hồi sức tích cực, hồi sức nâng cao.
Tổ điều phối nguồn nhân lực kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục huy động nhân lực từ các tỉnh thành, địa phương hỗ trợ cho TP, trong đó tập trung lực lượng bác sĩ, điều dưỡng có khả năng làm hồi sức để phục vụ công tác điều trị tại các bệnh viện tầng 4 và tầng 5.
Ngoài ra, TP cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tăng cường lực lượng y bác sĩ, điều dưỡng tham gia bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19, điều tra, truy vết, xét nghiệm và tổ chức tiêm ngừa vắc xin COVID-19...
THẢO LÊ
TTO - Nhiều bạn đọc thắc mắc sau khi lấy xong mẫu xét nghiệm COVID-19, nhân viên y tế có cần thay găng tay y tế để đảm bảo an toàn cho người lấy mẫu và nhân viên y tế không, nếu không thay cần phải sử dụng biện pháp gì để tránh lây nhiễm virus?