Tờ South China Morning Post ngày 10-8 đưa tin giới chức y tế Trung Quốc vừa phê duyệt việc thử nghiệm tiêm trộn đối với vaccine do hãng dược trong nước Sinovac sản xuất và vaccine do công ty công nghệ sinh học Mỹ Inovio sản xuất.
Theo thông báo của Inovio, việc thử nghiệm sẽ tiến hành trong khoảng vài tháng tới với mục tiêu đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả trong việc hình thành kháng thể ở cơ thể người trưởng thành khi tiêm trộn hai vaccine khác nhau.
Nhân viên tại một nhà máy sản xuất của hãng dược Sinovac đặt tại TP Thâm Quyến (Trung Quốc) kiểm tra dây chuyền sản xuất vaccine hồi tháng 1. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Một nghiên cứu của Sinovac trên 300 người từ 60 tuổi trở lên cho thấy nếu tiêm thêm một liều thứ ba hoặc liều thứ tư sau khi đã nhận đủ hai liều tiêu chuẩn sẽ giúp tăng đáng kể lượng kháng thể có trong cơ thể người tiêm.
South China Morning Post cũng cho biết sở dĩ giới chức Trung Quốc tiến hành thử nghiệm tiêm trộn hai vaccine khác nhau là do sự xuất hiện của thêm một số nghiên cứu cho rằng vaccine của các hãng dược Trung Quốc, đặc biệt là vaccine của Sinovac, cho hiệu quả không cao.
Đơn cử, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) Cao Phúc tuần trước vừa cho đăng tải một bài nghiên cứu trên chuyên trang y khoa medRxiv.org khẳng định lượng kháng thể giảm rõ rệt sau 6 tháng tiêm hai liều của Sinovac ở người cao tuổi và khuyến nghị tiêm bổ sung liều thứ ba.
Dù vậy, một thành viên khác của CCDC là TS Shao Yiming trong một cuộc họp báo hồi cuối tháng 7 từng khẳng định hiện các nghiên cứu về việc tiêm trộn còn rất mới và Trung Quốc hiện chưa cần phải tiêm bổ sung thêm liều thứ ba cho toàn bộ dân số đã tiêm.
"Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để đánh giá xem liệu có cần tiêm liều bổ sung cho người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu, người có bệnh nền đã được tiêm chủng trong khoảng từ 6-12 tháng trở lại đây hoặc người thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh COVID-19 trong nước và nước ngoài hay không" - ông Shao nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia Julian Tang thuộc ĐH Leicester (Anh) nhận định việc Trung Quốc thận trọng với vấn đề tiêm trộn hai vaccine khác nhau là có thể hiểu được bởi hiện chỉ mới có hai vaccine khi tiêm chung cho kết quả khả quan là của Pfizer/BioNTech và của AstraZeneca. Do đó, vẫn cần thêm nhiều dữ liệu thử nghiệm trên người để đánh giá chính xác.