TPHCM tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp chống dịch theo Chỉ thị 12
Lê Anh
(KTSG Online) - Ngày 11-8, Thành ủy TPHCM đã ban hành kết luận của Ban thường vụ Thành ủy về kết quả triển khai Chỉ thị số 12 của Thành ủy TPHCM về tăng cường một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM.
Một điểm tiêm vaccine cho người dân TPHCM - Ảnh: Lâm Vũ |
Theo kết luận, sau khi Thành ủy TPHCM ban hành Chỉ thị số 12 ngày 22-7-2021 về tăng cường một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tình hình kiểm soát dịch tại TPHCM có chuyển biến hơn.
Bước đầu, việc áp dụng các biện pháp cách ly y tế tại nhà cho các đối tượng F1, F0 và cách ly tập trung F0 tại quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã giảm áp lực cho các bệnh viện dã chiến trên địa bàn thành phố.
Tiến độ tiêm vaccine bảo đảm theo kế hoạch; một số địa phương có cách làm sáng tạo như hình thành đội tiêm lưu động, đội phản ứng nhanh đến tiêm cho các nhóm ưu tiên tại các khu cách ly, phong tỏa; tiêm cho người trên 65 tuổi, người khó khăn, yếu thế. Thành ủy TPHCM đánh giá đây là cách làm cần được nhân rộng để đẩy nhanh việc tiêm chủng, phủ nhanh miễn dịch cộng đồng.
Nhiều địa phương đã chủ động triển khai các gói an sinh xã hội bảo đảm đến tận các hộ dân khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu và hỗ trợ các nhu cầu cấp thiết khác cho người dân.
Thành ủy TPHCM đánh giá, tuy kết quả bước đầu đạt được một số yêu cầu đặt ra nhưng thực tế diễn biến tình hình dịch bệnh thành phố vẫn còn rất phức tạp, lực lượng nhân viên y tế thành phố tham gia chống dịch đang quá tải về sức lực, nhu cầu nhân sự y tế cần tăng cường.
Việc phong tỏa rộng và chậm gỡ phong tỏa gây quá tải cho công tác phòng chống dịch. Quy trình tiếp nhận và điều trị các ca F0 có triệu chứng, bệnh nặng có lúc chưa kịp thời. Một số nơi tổ chức tiêm vaccine chưa bảo đảm các yêu cầu quy định của giãn cách, trở thành điểm nguy cơ lây nhiễm cao.
Về giải pháp tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trong 8 ngày còn lại, TPHCM sẽ tiếp tục tận dụng tối đa mọi nguồn lực để điều trị cho người nhiễm Covid-19, hạn chế thấp nhất các ca tử vong. Đồng thời, bảo vệ các vùng xanh trên bản đồ Covid-19 và thu hẹp dần vùng đỏ, thiết lập an toàn trong các khu dân cư, khu phố, tổ dân phố, ấp.
Ngành y tế chủ động phối hợp với các cơ quan tư vấn, các giáo sư, bác sĩ nghiên cứu xây dựng chiến lược, kịch bản cụ thể, chi tiết xử lý các tình huống, quy trình điều trị bệnh nhân Covid-19. Việc quản lý F0 không triệu chứng, F1 tại nhà phải đồng bộ, thống nhất, liên thông từ khâu phối hợp, đến quy trình điều trị, bảo đảm thông tin kết nối, liên lạc kịp thời với các lực lượng phản ứng nhanh. Bệnh viện tiếp nhận điều trị các ca F0 khi có triệu chứng, trở nặng; tránh tình trạng xử lý chậm các trường hợp được phát hiện, cần chăm sóc kịp thời, nhằm giảm số ca tử vong trong điều trị Covid-19.
Tiếp tục rà soát, thống kê danh sách người dân từ đủ 18 tuổi trở lên, người trên 65 tuổi có bệnh nền chưa được tiêm chủng để mở rộng chiến dịch tiêm vaccine đến với người dân theo chỉ tiêu đề ra (khoảng 70%).
Tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine, tạo điều kiện để mở rộng lực lượng di chuyển vào giờ giới hạn ra đường cho phù hợp đặc thù sản xuất của doanh nghiệp.
Chính quyền cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, tạo điều kiện ưu tiên, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp. Nghiên cứu giải quyết những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, tạo cơ chế mở cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động, sản xuất phù hợp với tình hình dịch hiện nay.
Đối với người dân gặp khó khăn, thành phố tập trung chăm lo bảo đảm đời sống, các gói an sinh xã hội phải đến được tận nhà, trao tay người được thụ hưởng, tránh không bỏ sót, hoặc chậm chăm lo cho người gặp khó khăn.
Mời xem thêm:
Xem thêm: lmth.21-iht-ihc-oeht-hcid-gnohc-pahp-iaig-cac-hnam-yad-cut-peit-mchpt/153913/nv.semitnogiaseht.www