Đi nhanh hơn nhờ chiến lược đứng trên vai người khổng lồ
Cuối tháng 3 vừa qua, kỳ lân công nghệ Việt Nam VNG đã công bố thương vụ đầu tư 6 triệu USD (hơn 130 tỉ đồng) vào Got It, startup cung cấp dịch vụ quà tặng điện tử cho doanh nghiệp, bởi tin tưởng vào sự tăng trưởng hiện nay và tiềm năng trong tương lai.
Năm 2015, Got It đưa ra mô hình tặng quà điện tử trong bối cảnh các doanh nghiệp đau đầu trong các chiến dịch quà tặng khách hàng với nhiều thách thức cần giải quyết tối ưu hóa: chi phí cho việc kho bãi để lưu trữ các món quà vật lý, chi phí nhân lực quản lý và quan trọng nhất thời gian kiểm tra để đảm bảo các món quà được gửi đến chính xác khách hàng.
Dựa vào mô hình quà tặng điện tử, Got It tiết kiệm phần lớn chi phí cho doanh nghiệp bởi quà tặng là voucher điện tử nên không tốn chi phí kho bãi, phần lớn công việc đều được hoạt động tự động nên chi phí nhân lực xử lý cũng được tiết kiệm và quan trọng hơn là việc kiểm soát quá trình tặng quà cũng dễ dàng hơn.
Trong 6 năm qua, Got It đã xây dựng được mạng lưới quà tặng điện tử hơn 12.000 cửa hàng ở 64 tỉnh thành cùng hơn 160 đối tác đa ngành nghề trong và ngoài nước như: cà phê và bánh, thời trang, nhà hàng, giải trí, mỹ phẩm, mẹ và bé, mua sắm, tiện ích. Tính đến cuối năm 2020, đã có hơn 20 triệu voucher điện tử được phát hành thông qua nền tảng Got It, và hơn 500 doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia tin dùng dịch vụ.
Theo bà Thuỳ Bùi, Giám đốc Quan hệ đối tác của Got It, trên thực tế những khó khăn trong việc tặng quà của các doanh nghiệp đã có từ rất lâu và không ít doanh nghiệp tham gia, tuy nhiên sự thành công của Got It đến từ việc đáp ứng lòng tin và khả năng vận hành hiệu quả, tối ưu hóa chi phí trong việc mở rộng hoạt động.
Ngay từ những ngày đầu, Got It đã sử dụng dịch vụ đám mây AWS để giải quyết hai vấn đề này. Theo bà Thùy, bảo mật thông tin là điều tối quan trọng trong lĩnh vực mà công ty tham gia.
"Khá nhiều đối tác hỏi chúng tôi về vấn đề bảo mật và khi biết Got It sử dụng dịch vụ AWS thì họ rất an tâm," bà Thùy nói.
Thứ hai, là startup nên công ty không thể dự đoán được nhu cầu trong tương lai. Do đó nếu công ty dùng cách truyền thống là đầu tư máy chủ tại chỗ sẽ không tối ưu vì nếu đầu tư ít thì dẫn đến quá tải hệ thống, còn đầu tư lớn thì dẫn đến dư thừa tài nguyên, không tối ưu được dòng vốn.
Chính vì thế Got It lựa chọn AWS vì khả năng "giãn nở" linh hoạt của điện toán đám mây. Theo đó thay vì đầu tư hệ thống của mình, Got It chỉ trả tiền khi thực sự dùng dịch vụ nên chi phí được tối ưu tốt hơn.
"Bên cạnh đó, số lượng dịch vụ của AWS khá đa dạng, và chúng tôi chỉ mất 1 đến 2 tiếng đồng hồ triển khai giải pháp phù hợp cho hệ thống của Got It," bà Thùy chia sẻ.
Tiềm năng phát triển với sức mạnh của nền tảng Zalo
Cuối tháng 3 vừa qua, kỳ lân công nghệ Việt Nam VNG đã công bố thương vụ đầu tư 6 triệu USD (hơn 130 tỉ đồng) vào Got It bởi tin tưởng vào sự tăng trưởng hiện nay và tiềm năng trong tương lai.
Bên cạnh duy trì và thúc đẩy mảng quà tặng doanh nghiệp (B2B), Got It đang đặt mục tiêu trở thành dịch vụ quà tặng cho cá nhân hàng đầu trên ứng dụng Zalo và Zalo Pay của VNG, cụ thể là thông qua nền tảng này phát triển mô hình quà tặng cá nhân tới cá nhân (P2P).
Theo bà Thùy, thị trường mảng quà tặng doanh nghiệp (B2B) hiện đang phát triển rất mạnh. Trong vòng ba năm trở lại đây, các doanh nghiệp đã bắt đầu nắm bắt xu thế tặng e-voucher để họ tiết kiệm chi phí vận chuyển, chi phí nhân lực cũng như thời gian họ trao thưởng cho khách hàng.
Cụ thể, về quy mô thì đến năm 2019 Got It tăng trưởng gấp năm lần và năm 2020 dù là trong hoàn cảnh dịch thì công ty vẫn đạt tăng trưởng là 150%. 6 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh doanh của Got It đạt 50% mục tiêu của năm nay.
"Với quy mô hiện tại thì năm 2021 chúng tôi vẫn tiếp tục dự kiến là 150% và sẽ phát hành thêm 15 triệu voucher đến tay người dùng," bà Thùy nói.
Got It tiên phong trong cung cấp dịch vụ quà tặng cá nhân tới cá nhân.
Với thị trường quà tặng cá nhân, thậm chí còn nhiều dư địa tăng trưởng hơn. Nghiên cứu từ các thị trường đi trước như Hàn Quốc hay Trung Quốc cho thấy hình thức tặng quà điện tử đã rất thành công và chủ yếu là qua ứng dụng OTT chat như WeChat (Trung Quốc), Kakao Talk (Hàn Quốc).
Ở Việt Nam, Zalo đang sở hữu lợi thế như các ứng dụng nói trên khi có lượng người sử dụng lớn nhất hiện nay, 100 triệu người. Theo bà Thùy ước tính mỗi món quà chẳng hạn như một cốc cà - phê giá từ 70 nghìn đồng, hoặc combo với bánh mì thì chỉ cần 10% - 40% trong 100 triệu người sử dụng Zalo hiện nay đã là một thị trường rất lớn.
Nếu làm tốt hơn, theo bà Thùy, ngân sách tặng quà trực tuyến có thể tăng lên mức 500 nghìn đồng một lần. Trước mắt, Got It đang thử nghiệm tất cả các bước mà khách hàng có thể trải nghiệm trên nền tảng Zalo, ví dụ như khách hàng mua quà, tặng quà như thế nào. Khi các trải nghiệm đã hoàn chỉnh, Got It sẽ đẩy mạnh thông qua các chương trình tiếp thị, chiến dịch quảng bá để phổ biến thói quen tặng quà trực tuyến.
"Trên thực tế việc người sử dụng tặng quà cho nhau là thói quen có sẵn từ lâu và Got It chỉ chuyển đổi sang hình thức mới tiện lợi hơn với trải nghiệm phong phú hơn. Got It hướng tới sự tiện dụng trong cuộc sống bận rộn ngày hôm nay và làm sao vẫn giữ được cái cảm xúc trao nhận quà được cá nhân hóa cho cả người nhận và người tặng," bà Thùy nói.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.68521542111801202-ial-gnout-gnan-meit-iat-neih-gnourt-gnat-ti-tog/nv.zibefac